David Dương với các dự án “biến rác thành tiền”

David Dương luôn gắn bó với rác và rác cũng giúp ông trở thành triệu phú. Thành công nơi xứ người nhưng lòng người Việt kiều xa xứ này vẫn luôn hướng về Tổ quốc, luôn "muốn làm cái gì đó cho quê hương”.

Năm 2005, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS) ra đời, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc hành trình trở về góp phần xây dựng quê hương của David Dương.

Ông David Dương


Ông David Dương

David Dương sinh năm 1958 ở Sài Gòn trong một gia đình người Việt gốc Hoa. Khi về nước thành lập Công ty VWS và quyết định đầu tư 400 triệu USD vào dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM), nhiều người chưa am hiểu đều cho rằng David Dương "bị tâm thần”. Tuy nhiên ông trả lời ngay: "Đất nước mình đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hàng loạt khu công nghiệp ra đời. Kéo theo đó là vấn nạn rác thải công nghiệp gây hại đối với môi trường (nhất là chất thải rắn). Tôi đầu tư xử lý rác thải không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà chắc chắc còn có nguồn thu từ rác!”

Sự mạo hiểm của David Dương có thể bắt nguồn từ gia đình. Ông Dương Tài Thu (cha đẻ David Dương), chủ công ty Giai Thành, người từng được mệnh danh "ông vua giấy vụn” của miền Nam trước 1975 khi nắm trong tay đoàn xe tải 40 chiếc chuyên thu gom, vận chuyển phế liệu mang đi tái chế. Thậm chí sau này khi sang Mỹ định cư, gia đình David Dương cũng nhanh chóng làm giàu từ rác khi họ cùng lập ra Công ty Cogido Papa Corporation (năm 1983) chuyên thu gom giấy tái chế.

Vào năm 1990, Công ty California Waste Solutions (CWS) chuyên thu gom và tái chế rác tại San Francisco do David Dương làm chủ ra đời. Mặc dù đang lúc ăn nên làm ra, được mệnh danh là ông vua chế biến rác và phế liệu trong cộng đồng người Việt ở Mỹ; trực tiếp quản lý hệ thống 6 nhà máy thu gom, xử lý chất thải rắn ở Mỹ, 1 nhà máy ở Philippines và 2 văn phòng đại diện ở Trung Quốc nhưng với tấm lòng luôn hướng về quê hương, David Dương đã chọn đầu tư vào Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Ông chia sẻ: "Tôi chọn TP.HCM vì đây là nơi tôi sinh ra, ngoài ra đây là nơi có vấn nạn rác thải nghiêm trọng khiến chính quyền Thành phố phải đau đầu xử lý”.

Toàn bộ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có diện tích 128 ha, với khả năng xử lý tối thiểu khoảng 3 nghìn tấn rác/ngày. Nhà máy phân loại có công suất tối thiểu 500 tấn/ngày và nhà máy compost có khả năng chế biến đến 1 nghìn tấn nguyên liệu rác mỗi ngày thành khoảng 600 tấn phân hữu cơ, vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước vừa xuất khẩu. Mỗi ngày, khu xử lý rác này sẽ xử lý hơn phân nửa tổng lượng rác của Thành phố, giải quyết đáng kể một trong những vấn đề trọng tâm trong việc quản lý đô thị. Cũng thông qua dự án của David Dương, nhiều chuyên gia môi trường đánh giá: "Với công nghệ này, rác trở nên có giá trị, mang lại lợi ích cho con người. Vẫn chưa hết, dự án còn mang lại việc làm mới cho khoảng gần 300 lao động địa phương”.

Ngoài ra, Công ty VWS hiện còn có thêm dự án đang triển khai là Khu liên hợp xử lý chất thải xanh Long An (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 700 triệu USD. Ông David Dương cho rằng, khu liên hợp này sẽ được đầu tư với công nghệ hiện đại, có thể thu hút các địa phương đưa rác đến xử lý (ước khoảng 40 nghìn tấn rác/ngày) và khi đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 6-10 nghìn lao động. Bằng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới, phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam, cả 2 khu liên hợp xử lý chất thải do VWS đầu tư sẽ phục vụ cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hướng đến khu vực Đông Nam Á”, ông David Dương đã hào hứng khẳng định như vậy!

Sinh Nguyễn
Theo Đại Đoàn Kết