Có một cộng đồng người Việt bên bờ sông Volga
Vì nhiều lý do khác nhau khiến những người con đất Việt phải rời quê hương mưu sinh nơi đất khách quê người. Và ở đây tình người chính là sợi dây liên kết mỗi số phận, giúp họ vượt qua những khó khăn, trụ vững nơi xứ người.
Những nông dân Việt đang làm việc tại trang trại của "thuyền trưởng” Dương Hải An
Không đói ở Volgagrad
Chị Hoàng Thị Hồng, người đã có trên 40 năm định cư tại thủ đô Matxơcơva tâm sự, chị rời Việt Nam ra nước ngoài cũng vì hai chữ: Mưu sinh. Nhưng, không phải phương trời Âu nào cũng là thiên đường. Cũng giống như bà con trong nước, cộng đồng người Việt di cư đến những vùng đất mới phải làm quần quật từ sáng đến đêm để mưu sinh. Nhưng vất vả chuyện áo cơm cũng chẳng thấm gì với việc ta tự cảm nhận mình thật sự cô đơn giữa những con người… Sau nhiều năm di chuyển kiếm tìm vùng đất hứa chị quyết định định cư bên dòng sông Volga, sống gắn bó với những người Nga hồn hậu. Chị bảo, ở đâu cũng phải làm mới có ăn, cũng phải cạnh tranh, phải đổ mồ hôi, nước mắt nhưng nếu sống ở nơi người ta trọng chữ tình, những người xa quê biết xích lại gần nhau thì nỗi lòng xa xứ sẽ vơi đi rất nhiều.
Có thể nói cộng đồng người Việt bên bờ sông Volga giống như một gia đình lớn và các thành viên đều có ý thức chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Chị Hồng bảo, có lẽ chỉ có cộng đồng người Việt bên bờ sông Volga không quan tâm nhiều đến Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội đồng hương… Bởi tính cộng đồng, tương trợ nhau của người Việt ở đây rất cao. Minh chứng cho những sự giúp đỡ ấy, chị Hồng liệt kê ra một loạt danh sách những cái tên nào Hạnh, nào Huế nào Thanh, nào Bình đã được các cô, dì chú bác giúp đỡ thế nào để ổn định cuộc sống khi họ mới chân ướt chân ráo sang đây. Và giờ thì không chỉ ổn định công ăn việc làm, những "người mới” ấy đã có thể tích lũy những số vốn nho nhỏ gửi về giúp đỡ gia đình ở quê nhà.
Nguyễn Đình Sơn và Triệu Thị Vui, cặp vợ chồng vừa sang Volgograd được 2 năm nhờ sự trợ giúp của Hạnh - cô cháu gái họ. Chỉ cần hay tin có thành viên mới gia nhập cộng đồng khoảng 500 người Việt này, thế là không ai bảo ai người cho ở nhờ, người cho mượn xe, người giúp tìm công việc để ổn định cuộc sống. Nói chung mỗi người đều tìm ra những cách rất riêng để giúp đỡ thành viên mới. Ai bảo những người làm nghề kinh doanh chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì hãy đến Volgograd gặp những tiểu thương ở đây họ sẽ có câu trả lời rất khác.
Vị "thuyền trưởng” nhân hậu
Sở dĩ những người Việt trụ vững được bên dòng sông Volga hiền hòa là nhờ công rất lớn của vị thuyền trưởng nhân hậu, anh Dương Hải An. Đã từ nhiều năm nay, người đàn ông gốc Đô Lương, Nghệ An này đầu tư nhiều công sức và tiền của để cánh đồng bên bờ Volga trở nên xanh ngút ngát, tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân đến từ Việt Nam và Uzbekistan.
Nếu coi anh An là người chèo lái con thuyền cộng đồng Việt ở Volgograd, thì phải nói tới việc anh chính là người đầu tiên tạo dựng nên trung tâm thương mại Traktor thuộc công ty Volga Việt vào năm 1998, nơi đại đa số bà con đang kinh doanh thành đạt. Nhưng không chỉ tạo công ăn việc làm cho những người buôn bán nhỏ, anh An còn ấp ủ một ước vọng, giúp những người nông dân quen với cảnh chân lấm tay bùn cũng có thể sống tốt tại nước Nga. Với đầu óc nhìn xa trông rộng và có thể xuất phát từ "chất nông dân”, anh nhận ra bên dưới những cánh đồng bị bỏ hoang của Volgograd là tiềm năng dồi dào đang bị bỏ quên bởi những khó khăn nảy sinh từ thời hậu Xô Viết. Kết quả là một nông trại chuyên trồng các loại rau chủ yếu phục vụ thị trường Nga đã ra đời.
Ngoài cương vị Tổng Giám đốc Tổng công ty Volga Việt, anh còn là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Volgograd. Anh biết tường tận hoàn cảnh của từng người trong cộng đồng. Anh từng hòa giải những mâu thuẫn gia đình hay cấp học bổng cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn… tạo cuộc sống ổn định cho bà con người Việt nơi đây.
Tiếp xúc với anh Dương Hải An, dễ dàng nhận thấy sự điềm đạm, từ tốn, thái độ biết lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ. Có lẽ với một cựu chiến binh từng có 10 năm phục vụ trong quân ngũ, mục tiêu kiếm nhiều tiền không phải là trên hết. Nếu đặt mục tiêu như vậy thì chắc anh chẳng phải lao tâm khổ tứ với việc mua đất nông nghiệp và vận động bà con chuyển hướng sang thuê đất để trồng trọt, chăn nuôi trong bối cảnh mô hình kinh doanh ở chợ đang dần kém hiệu quả, khiến nhiều người buộc phải đứng trước sự lựa chọn giữa về Việt Nam hay ở lại.
Nhiều người xếp anh Dương Hải An vào hàng "soái” trong cộng đồng người Việt ở Nga bởi anh sở hữu hai trung tâm thương mại, các cơ sở chế biến rác thải, là chủ sở hữu hơn 200 ha đất trồng trọt cùng cả hệ thống bơm nước và những máy móc nông nghiệp hiện đại. Nhưng tài sản lớn nhất mà anh An đã tích cực góp phần xây dựng nên chính là một cộng đồng người Việt đầy tình người bên bờ Volga. Những gì mà người Việt Nam sống bên bờ dòng Volga đã, đang làm không chỉ giúp họ trụ vững nơi xứ người mà còn giúp cho bạn bè thế giới hiểu thêm về Việt Nam, một đất nước đầy ắp tình yêu thương, sự chia sẻ.
Theo Nguyên Khánh
Đại Đoàn Kết