Chợ ngoại ở Sài Gòn

TPHCM là nơi sinh sống, làm việc của nhiều người nước ngoài. Đáp ứng nhu cầu của họ, đã dần hình thành những khu chợ bán hàng ngoại. Từ lâu, những ngôi chợ này cũng đã trở thành điểm tham quan, mua sắm lý thú cho những du khách khi đến thành phố.

Chợ Nga

Chợ Nga

Từ chợ Campuchia đến chợ Hàn Quốc

Chợ Campuchia ở đường Lê Hồng Phong- quận 10 là một trong những ngôi chợ khá lâu đời. Khu vực này trước đây rất đông người Campuchia sinh sống nên các món ăn, các loại thực phẩm đặc trưng của Campuchia như bún Num bò chóc (bún cá Nam Vang), chè Campuchia, bánh lọt xào, bí hầm trứng… đều có bán tại chợ.

Điều đặc biệt, các món ăn đặc sản của Campuchia tại chợ chỉ bán vào buổi sáng và luôn đắt hàng, có khi chỉ 10 giờ sáng khách tìm đến ăn muộn thì không còn món gì. Hai quán nổi tiếng ở khu vực này là quán Tư Xê và quán chị Diệu. Chị Diệu – chủ quán chia sẻ: "Để nấu bún Num bò chóc đúng kiểu Campuchia thì các loại nguyên liệu như mắm bò chóc, trái chút, cùng nhiều gia vị khác tui phải mua từ Nam Vang mang về, cái ngọt của nước dùng phải hoàn toàn là từ nước luộc cá nên giá bán 1 tô bún 35.000đ là không hề mắc”.

Không chỉ hấp dẫn về các món ăn, những quầy bán các loại khô cá Biển Hồ, các loại mắm, lạp xưởng Campuchia… cũng luôn tấp nập khách tìm đến mua. Không chỉ người Campuchia ở thành phố mà ở các tỉnh khác, mỗi khi có dịp họ đều ghé lại chợ này vừa để mua sắm và vừa được thưởng thức hương vị rất riêng của quê hương mình.

Đối với cộng đồng người Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh thì có một khu vực trong chợ Phạm Văn Hai- quận Tân Bình và đường Tân Sơn Hòa cập bên hông chợ Phạm Văn Hai là nơi có thể tìm thấy mọi nguyên liệu cho các món ăn Hàn Quốc. Chính vì có khu vực bán hàng tập trung mà nhiều người còn quen gọi nơi đây là chợ Hàn Quốc. Ở đây, người bán hàng đa số là người Việt, việc khác biệt ngôn ngữ không thành vấn đề giữa người bán và người mua, vì khi nhập một món hàng người bán cũng thuộc tên gọi của mặt hàng, còn giá tiền thì đã có máy tính thể hiện.

Chị Phan Thị Cúc đã có thâm niên bán thực phẩm Hàn Quốc trên 28 năm cho biết: Mặt hàng bán chạy nhất ở đây là các loại mì, ớt khô, ớt bột, rong biển… Lượng khách lẻ đến chợ mua thực phẩm Hàn Quốc hiện nay tuy có giảm hơn so với trước do có thể dễ dàng mua một số mặt hàng ở các siêu thị nhưng nhiều loại đặc sản của Hàn Quốc chỉ tại đây mới có. Vì thế nơi đây vẫn là chợ đầu mối, nguồn cung cấp sỉ cho các nhà hàng có chế biến các món ăn Hàn Quốc.

Tại chợ Hàn Quốc có cả ngàn mặt hàng với đủ chủng loại từ ớt bột, tokbokki, các loại mì cucsu, chachang, odon, các loại kim chi, rong biển làm cơm cuộn, rượu soju, củ sâm tươi… kể cả lá nhíp tươi để ăn với món thịt nướng đúng kiểu Hàn Quốc cũng có.

Chị Phan Thị Cúc và kiốt thực phẩm Hàn Quốc

Chị Phan Thị Cúc và kiốt thực phẩm Hàn Quốc

Chợ Nga - điểm du lịch mua sắm

Chợ Nga tại số 328- Võ Văn Kiệt- quận I được xem là chợ bán hàng thời trang mùa đông lớn nhất ở thành phố, tuy gọi là chợ nhưng nơi này là trung tâm thương mại sầm uất. Các ki ốt mang những tên gọi rất Nga như Kolia, Sasha, Natasa… trưng bày quần áo thời trang đủ mọi lứa tuổi. Hầu hết các mặt hàng là dành cho xứ lạnh với các loại nón, áo, mũ len, áo lông, áo dạ… giá cả phải chăng.

Theo các tiểu thương, khách đến chợ Nga mua sắm hiện nay không chỉ là những người Nga sống tại thành phố, mà còn có các đoàn du khách các nước đến tham quan và mua sắm. Ông Vũ Ánh Dương- Quản lý Trung tâm thương mại Chợ Nga cho biết: Khai trương năm 2009 với 200 ki ốt, tổng diện tích 2.000m2, sau 5 năm phát triển chợ Nga đã khẳng định được vị thế - là địa chỉ tham quan mua sắm đáng tin cậy. Chính vì thế năm 2015 chợ Nga sẽ được đơn vị quản lý là Công ty CP Tống Linh Giang đầu tư mở rộng diện tích, tăng thêm 500m2 để đáp ứng nhu cầu phát triển của chợ Nga.

Không chỉ có các mặt hàng thời trang, tại chợ Nga còn có siêu thị mini bán các thực phẩm, đặc sản của Nga từ bánh mì đen, trứng cá hồi, cá muối, patê gan ngỗng…đến các mặt hàng lưu niệm như búp bê Matriosca. Khách của siêu thị không chỉ là người Nga tìm đến mua những món ngon của quê nhà mà còn có những du học sinh, những người đã có thời gian làm việc ở Nga muốn nhớ lại hương vị của các món ăn của xứ bạch dương. Họ đến đó còn để gặp gỡ, trò chuyện với nhau bằng tiếng Nga, những câu chuyện giữa người mua và người bán không dừng lại ở việc mặc cả giá, mà còn nhắc lại những kỷ niệm ở nước Nga, tuy xa xôi đó nhưng lại trở nên gần gũi trong không gian của chợ.

Và có lẽ, ít có ngôi chợ nào mà sự giao thương và giao lưu văn hóa giữa 2 nước được thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc đến vậy.

Một cửa hàng thực phẩm Hàn Quốc trên đường Tân Sơn Hòa

Một cửa hàng thực phẩm Hàn Quốc trên đường Tân Sơn Hòa

Theo Bảo Hạnh
Đại Đoàn Kết