Ba thế hệ lưu giữ văn hóa Việt

Nhắc đến Giáo sư Lê Thành Khôi, nhiều người nhớ đến một trí thức Việt nổi tiếng, nhưng ít người biết rằng cha ông là một giáo sư Việt ngữ giảng dạy ở Pháp, rằng con trai ông là một nghệ sĩ đang đưa âm nhạc dân gian Việt Nam vào jazz đi khắp thế giới.

Ba thế hệ lưu giữ văn hóa Việt

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao giải thưởng Phan Châu Trinh cho Giáo sư Lê Thành Khôi.

Mới đây, cuốn Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của Giáo sư Lê Thành Khôi đã được xuất bản tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên công trình sử học nổi tiếng này được xuất bản bằng tiếng Việt, cũng là dịp để công chúng Việt Nam tiếp cận tác phẩm của một trí thức lớn người Việt Nam định cư tại nước ngoài. Đặc biệt, trong gia đình ông, ba thế hệ đã và đang góp phần vào tiến trình giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Những thế hệ đọc sách

Giáo sư Lê Thành Khôi sinh năm 1923 tại Hà Nội. Năm 1947, ông sang Pháp du học, được tiếp cận nhiều chuyên ngành khác nhau thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trở thành Tiến sĩ Kinh tế và Giáo dục. Là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực, từng giảng dạy ở nhiều trường đại học, trong đó có Đại học Paris, ông đã xuất bản 20 cuốn sách viết riêng, hơn 20 cuốn viết chung và hàng trăm bài báo, tham luận quốc tế.

Sinh trưởng trong một gia đình theo truyền thống Nho giáo và đạo Phật rồi sinh sống ở Pháp, Giáo sư Lê Thành Khôi thấm nhuần sâu sắc cả hai nền văn hoá Đông, Tây. Ông từng kể, trong gia đình, mẹ ông rất sùng mộ đạo Phật, ngày nào cũng tụng kinh. Có lẽ, ít nhiều do ảnh hưởng đó nên khi biên soạn quyển Lịch sử và tuyển tập văn học Phật giáo Việt Nam bằng tiếng Pháp, ông cảm thấy thú vị khi dịch một số văn thơ đượm hương vị Thiền, đặc biệt những tác phẩm vào thời Lý Trần. Trong đó có nhiều tác phẩm chưa bao giờ được chuyển sang tiếng nước ngoài.

Trong nhà có nhiều sách ta và sách Tây, nhờ vậy ông có dịp đọc rộng ngay từ thuở bé. Khi đó, ông thường xuyên được cha mẹ và bà nội đọc và kể chuyện cổ tích và lịch sử cho nghe. Ông cũng có nhiều lợi thế về học ngôn ngữ khi học ở Lycée Albert Sarraut, nơi cha ông - Giáo sư Lê Thành Ý (1893-1937) giảng dạy về Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam. Tuy nhiên, trường Pháp không dạy lịch sử Việt Nam, nên hầu hết các kiến thức lịch sử Việt Nam ông phải tự học từ nhà và được gia đình truyền đạt lại.

Người ghi sử hấp dẫn

Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của Lê Thành Khôi được đánh giá cao bởi đây là sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam: "Le Viet Nam, Histoire et Civilisation" (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh) và "Histoire du Viet Nam, des origines à 1858" (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858). Thực tế, từ lâu hai công trình này đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam sử dụng như một nguồn tài liệu quan trọng khi tìm hiểu về lịch sử truyền thống của dân tộc.

Có thể nói, sự am hiểu tường tận Pháp ngữ tới mức điêu luyện khi viết về lịch sử - văn hóa - văn minh Việt Nam đã giúp Giáo sư Lê Thành Khôi chuyển tải hai chuyên luận lịch sử Việt Nam của mình sâu rộng trong giới học sinh, sinh viên, trí thức trên phạm vi thế giới. Công trình của ông đã góp phần phổ biến hình ảnh trung thực về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Trên hết, cách viết sử của ông được hiển thị bằng văn phong giản dị, rành mạch, thanh thoát và được phân tích một cách chính xác, khoa học và tinh xảo, thông qua những dẫn chứng phong phú và xác thực, được truyền tải đầy hiệu quả.

Đáng quý là vào tháng 10/2010, trong một lần đến thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Giáo sư Lê Thành Khôi đã ngỏ ý tặng hiện vật trong bộ sưu tập lịch sử của mình. Bộ sưu tập của ông gồm hơn 300 hiện vật thuộc nhiều nền văn hóa ở các châu lục khác nhau, rất phong phú về loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tác cũng như công dụng. Năm 2013, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh cũng đã trao giải "Nghiên cứu" cho ông vì "những nghiên cứu bác học trong quá trình chiêm bái các nền văn hoá từ Đông sang Tây".

Người kế tục truyền thống

Đến nay, tuổi đã cao, nhưng Giáo sư Lê Thành Khôi có thể tự hào vì người con trai út của ông vẫn đang kế tục việc lưu giữ văn hóa Việt, dù theo một cách khác. Nghệ sĩ Nguyên Lê - người không ngừng đi tìm "cái tôi" Việt Nam của mình. Sinh năm 1959 tại Paris, tốt nghiệp ngành Nghệ thuật Thị giác và Triết nhưng sau đó, ông lại chuyển sang lĩnh vực âm nhạc, tự học jazz và nhanh chóng thành công ở Pháp.

Năm 1996, trong lần trở về Việt Nam, Nguyên Lê làm CD nhạc truyền thống Việt Nam đầu tiên: Tales from Viet Nam (Những câu chuyện kể từ Việt Nam) gồm những bài dân ca Việt thể nghiệm theo phong cách nhạc jazz. Ngay lập tức, đĩa được các tạp chí âm nhạc quan trọng tại Đức, Pháp, Thụy Sỹ bầu chọn là xuất sắc và giành được nhiều giải thưởng danh giá như Diapason d'Or, Choc du Monde de la Musique, Choc de I'année Jazzman, hạng nhì Jazzthing 96…

Nguyên Lê thẳng thắn thừa nhận Việt Nam chưa có vị trí trên bản đồ âm nhạc thế giới. Vì thế, khát khao của ông là tìm cách để công chúng toàn cầu biết đến âm nhạc Việt Nam, mà con đường ngắn nhất và nhanh nhất là dựa vào di sản truyền thống. "Bao thế hệ ông cha đã tạo ra những loại hình âm nhạc mà đến nay, UNESCO đã công nhận là những Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Vậy thế hệ ngày nay phải bồi đắp thêm vào kho tàng âm nhạc quý giá đó bằng sản phẩm, bằng hơi thở văn hóa, âm nhạc của ngày hôm nay", Nguyên Lê nói.

Theo Minh Tứ
Thế giới & Việt Nam