Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tấn - Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Chúng tôi học Bác tinh thần độc lập, tự chủ

(Dân trí) - Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để soi rọi cho con đường phát triển của dân tộc, của đất nước trong thời đại mới, đó là một việc làm lâu dài, đòi hỏi sự nghiêm túc, khoa học. Trong ký ức của vị tướng có mấy mươi năm trực tiếp làm nhiệm vụ “canh giữ giấc ngủ” cho Người, những chân lý đó luôn đầy ắp những bài học thực tiễn.

Bác đã từng chỉ ra ba chứng bệnh của cán bộ

 

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác nói rất nhiều đến việc xây dựng Đảng và rèn luyện cán bộ. Hiện nay công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ của chúng ta vẫn đang còn có nhiều việc phải bàn, phải làm. Về cán bộ, tại nơi này, nơi khác do chưa thực sự chú trọng rèn luyện cán bộ, bố trí sai cán bộ, chen tình cảm riêng tư vào trong công tác cán bộ nên đã gây ưu phiền cho không ít người, nhất là những người thực sự có tài năng mà chưa được trọng dụng. Nhiều cán bộ không chịu học tập, không chịu tự nâng cao trình độ nên không nhận ra được vấn đề và nhìn ra được con người, ảnh hưởng đến việc bố trí, sử dụng cán bộ.

 

Trong khi đó, ngay từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước, Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày thêm nặng, nguy cơ đến tính mạng". Người chia khuyết điểm ra làm ba hạng. Đó là "Khuyết điểm về tư tưởng tức là bệnh chủ quan. Đó là "Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. Đó là "Khuyết điểm về cách nói chuyện và cách viết, tức là ba hoa". Bác khẳng định đây là "ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay để lây ra thì có hại vô cùng".

 

Để nâng cao tư tưởng phẩm chất, Hồ Chí Minh kêu gọi những cán bộ phải nghiêm túc: tự phê bình và phê bình ráo riết trong sinh hoạt Đảng. Đây được coi là phương thuốc chữa trị những tật bệnh trên. Tiếc rằng, hiện nay chúng ta chưa thực hiện tốt công tác này.

Học tập tinh thần tự chủ để bảo vệ thi hài Bác

 

Một phẩm chất đặc biệt, biểu hiện cụ thể nhất của trí tuệ, nhân cách tư tưởng của Bác là độc lập, tự chủ. Ngay từ ngày Bác đi xa, chúng ta đã một mặt dựa vào sự giúp đỡ của Liên Xô để bảo quản tốt thi hài của Người, một mặt tích cực, chủ động xây dựng lực lượng cán bộ khoa học hướng tới tự chủ, tự lực, tự cường trong công tác bảo quản và giữ gìn thi hài của Bác. Do được chuẩn bị tốt như vậy, nên khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, chúng ta từng bước làm chủ công nghệ giữ gìn thi hài Bác. Song công việc đó không hề đơn giản, bởi đấy là một ngành khoa học công nghệ tổng hợp. Khi thực hiện quá trình công nghệ giữ gìn thi hài Bác, chúng ta phải kết hợp nhiều ngành kĩ thuật trong khi chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, vẫn phải giữ tốt thi hài của Bác với 3 yêu cầu: "Thi hài không bị phân huỷ, không sạm màu, không bị biến dạng" để nhân dân đến viếng vẫn thấy thi hài nguyên vẹn như lúc Bác còn sống.

 

Hiện nay, chúng ta đang phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Với tôi, học tập Bác Hồ tức là phải nghiên cứu kỹ từ cách nghĩ, cách làm của Hồ Chí Minh đẻ soi rọi, giải quyết những vấn đề cụ thể trong đời sống xã hội hiện tại và tìm ra một con đường đi lên có hiệu quả cao, vững chắc! Vậy làm thế nào để cuộc vận động đó đi vào thực chất và phát huy hiệu quả cao nhất vào thực tiễn xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay. Theo tôi, để có được điều đó đòi hỏi từng cán bộ, người dân phải đổi mới ngay từ cách nhận thức và cách làm. Trong một dịp trò chuyện gần đây với tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói đến điều này. Học tập Bác là học tập suốt đời.

 

Chiến đấu vì nhân dân nên cần nhiều “nhân tướng”

 

Học tập cũng phải tuỳ vào tình hình thực tế từng lúc, không thể hô hào suông. Cán bộ và nhân dân ta ngày đó gian khổ khác, ngày nay, tuy đất nước còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế cũng đang phát triển, hội nhập sâu rộng với quốc tế. Vậy những bài học đó cần vận dụng vào thực tế như thế nào? 

 

Chỉ một chữ "dân", ta cũng học Bác được nhiều điều. Ta học Bác trong việc huy động được hết sức mạnh toàn dân, đúng như Bác nói rằng có dân là có tất cả. Muốn dân làm chủ thì dân phải biết, dân phải được bàn, dân được kiểm tra. Tất cả hình như ai cũng biết, cũng thuộc, song nơi này nơi khác còn thực hiện chưa tốt.

 

Lúc sinh thời, Thượng tướng Đàm Quang Trung - Nguyên Tư lệnh Tiền phương Quân khu 4 có tâm sự với tôi một câu chuyện mà suốt đời ông không quên. Đó là vào năm 1945, ông vào gặp Bác trước lúc đi Nam. Bác chỉ dặn ông một câu rằng: "Chú lên đường đi chiến trường xa xôi. Bác nói với chú về nhân cách một người làm tướng. Trong tướng có nhiều loại: mãnh tướng như Trương Phi, dũng tướng như Quan Vân Trường, hổ tướng như Triệu Tử Long. Các loại tướng như thế đều tốt. Nhưng theo Bác, cuộc chiến đấu của chúng ta cần nhiều nhân tướng, vì đây là cuộc chiến đấu vì con người. Nhân tướng là người tướng hiểu con người, biết quý con người, biết dùng người và được mọi người yêu quý. Chỉ có những vị tướng như thế mới trăm trận trăm thắng được. Tướng của nhân dân nhất định phải là như thế".

 

Phúc Hưng (ghi)