Cải thiện dinh dưỡng cho học sinh tiểu học Sơn La

(Dân trí) - Dinh dưỡng học đường là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng, nhất là khi Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng dinh dưỡng kép: tình trạng suy dinh dưỡng (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi) còn phổ biến ở trẻ em khu vực nông thôn, trong khi đó tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng ở người lớn và trẻ em thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn.

Chất lượng bữa ăn bán trú đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em lứa tuổi tiểu học.
Chất lượng bữa ăn bán trú đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em lứa tuổi tiểu học.

Nhằm góp phần từng bước giải quyết thực trạng này, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã nghiên cứu và khởi xướng Dự án Bữa ăn học đường từ năm 2012. Dự án nhận được sự tư vấn về mặt chuyên môn từ Viện Dinh Dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế cũng như Bộ GDĐT trong công tác triển khai đến các trường.

Với sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn đầu ngành, Dự án đã và đang đạt được những kết quả khả quan. Tính đến tháng 9/2018 đã có 2.923 trường tiểu học bán trú trên 44 tỉnh thành đang triển khai các nội dung trọng tâm của Dự án: “Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng” và bộ áp phích “3 phút thay đổi nhận thức”.

Tiếp nối thành công này, ngày 24/10 vừa qua, Công ty Ajinomoto Việt Nam tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị triển khai “Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng” dành cho 125 trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú và dự kiến tổ chức bán trú trên toàn địa bàn tỉnh. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ GDĐT, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Sơn La, lãnh đạo và chuyên viên các Phòng GDĐT, Ban Giám hiệu và cán bộ phụ trách công tác bán trú cùng đại diện Hội Phụ huynh học sinh các trường tiểu học bán trú và dự kiến tổ chức bán trú tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Hương – Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học tỉnh Sơn La trao đổi và chỉ đạo triển khai áp dụng Dự án đến các trường.
Bà Nguyễn Thị Hương – Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học tỉnh Sơn La trao đổi và chỉ đạo triển khai áp dụng Dự án đến các trường.

Được biết, các thực đơn trong “Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng” được phát triển trong hơn một năm, trải qua nhiều quá trình từ khảo sát, phân tích, phát triển công thức, thực nghiệm đến điều chỉnh kỹ càng, sau đó được thông qua bởi Hội đồng thẩm định của Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế và Hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài 120 bộ thực đơn có sẵn gồm hơn 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng; được phân chia theo 3 khu vực Bắc, Trung và Nam, các trường cũng có thể tự tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn sẵn có trong ngân hàng thực đơn hoặc bằng các nguyên liệu tại địa phương. Ngoài ra, phần mềm còn hỗ trợ các trường tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh hiệu quả, phù hợp chi phí thu hằng tháng. Mỗi trường bán trú chỉ cần đăng kí một tài khoản tại website của Dự án để sử dụng miễn phí tất cả các tính năng trong phần mềm.

Tại Hội nghị, Đại diện Ban Dự án còn phổ biến đến các trường bộ áp phích minh họa “3 phút thay đổi nhận thức”, giúp các trường giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho các em học sinh, để các em có sự thay đổi cách nhìn đối với thực phẩm, nhất là rau củ, từ đó hình thành cho các em thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh với đa dạng các loại thực phẩm.

Các em học sinh trường tiểu học Hồ Văn Cường (Q. Tân Phú – TP. HCM) cùng chuẩn bị bữa trưa với thực đơn được chuẩn bị bằng phần mềm.
Các em học sinh trường tiểu học Hồ Văn Cường (Q. Tân Phú – TP. HCM) cùng chuẩn bị bữa trưa với thực đơn được chuẩn bị bằng phần mềm.

Một nội dung khác của Dự án cũng nhận được đông đảo sự quan tâm đó là mô hình “Bếp ăn mẫu bán trú”. Mô hình bếp một chiều được xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản và trang bị hiện đại, hợp lí giúp tiết kiệm nhân công và thời gian, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến, hỗ trợ các trường thực hiện tốt công tác bán trú. Đây cũng là mô hình mẫu để các đơn vị, trường học trên cả nước đến tham quan, học tập, từ đó áp dụng phù hợp với từng địa phương. Đến nay, Dự án đã xây dựng thành công hai mô hình bếp ăn mẫu tại trường Tiểu học Trưng Trắc (TP. HCM) và trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn).

Lê Nga