Tại sao nhiều người không muốn đi làm sau kỳ nghỉ lễ?
(Dân trí) - Uể oải sau kỳ nghỉ lễ có tên khoa học là "post-holiday blues", "post-holiday depression", là một trạng thái tâm lý phổ biến, đặc biệt là sau những kỳ nghỉ dài.
Năm nay, người Việt có kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài đến 5 ngày. Đây là một trong những kỳ nghỉ dài nhất trong năm nay bên cạnh Tết Nguyên đán. Khắp nơi, người dân tận hưởng thời gian với gia đình, bạn bè, đi du lịch, tụ họp, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi sau chuỗi ngày làm việc vất vả.
Nhưng khi những ngày lễ khép lại, quay lại guồng quay công việc, học tập, không ít người cảm thấy mất hứng, uể oải, dễ cáu gắt, khó tập trung. Đó không chỉ là biểu hiện thoáng qua.

Nhiều người căng thẳng, stress khi quay lại với công việc sau kỳ nghỉ (Ảnh minh họa: Unsplash).
Tình trạng này được các chuyên gia tâm lý gọi là "post-holiday blues", "post-holiday depression" (tạm dịch là "nỗi buồn sau kỳ nghỉ").
Tại sao mọi người có xu hướng uể oải sau kỳ nghỉ?
Theo Health Central, hiện tượng "post-holiday depression" không phải là bệnh lý, nhưng là một trạng thái tâm lý phổ biến, đặc biệt là sau những kỳ nghỉ dài.
Theo Tiến sĩ Y khoa Paul Nestadt, đồng giám đốc Phòng khám Rối loạn lo âu Johns Hopkins và phó giáo sư khoa Tâm thần học và Khoa học Hành vi, đây là trạng thái "phản ứng tự nhiên khi não bộ phải chuyển từ trạng thái thư giãn sang guồng quay áp lực của công việc, trách nhiệm và các yêu cầu xã hội".
Trong kỳ nghỉ, chúng ta thường trải qua nhiều khoảnh khắc hưng phấn như tụ tập bạn bè, ăn uống thỏa thích, đi du lịch, tạm ngắt kết nối với công việc. Những điều này làm gia tăng dopamine - chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác hạnh phúc.
Khi kỳ nghỉ kết thúc, mức dopamine giảm đột ngột, não bộ chưa kịp thích nghi, dẫn đến cảm giác buồn bã, thiếu động lực.
Theo khảo sát của National Alliance on Mental Illness (NAMI), tại Mỹ, có tới 64% người trưởng thành cho biết họ trải qua cảm xúc tiêu cực sau kỳ nghỉ lễ, trong đó phổ biến là mệt mỏi, căng thẳng và buồn bã.
Một lý do quan trọng khác là sự xáo trộn về nhịp sinh học. Trong kỳ nghỉ, nhiều người ngủ muộn, dậy trễ, ăn uống thất thường hoặc thiếu vận động.

Những bữa tiệc kéo dài trong kỳ nghỉ có thể khiến lịch trình sinh hoạt đảo lộn, dẫn đến tình trạng uể oải sau đó (Ảnh minh họa: Pexels)
Những thay đổi này khiến đồng hồ sinh học bị lệch, và cơ thể mất một thời gian để "tái hòa nhập" với lịch trình cũ. Cảm giác mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần là điều khó tránh khỏi.
Ngoài ra, với một số người, kỳ nghỉ cũng có thể làm dấy lên những cảm xúc tiêu cực như cô đơn, tiếc nuối (vì chưa làm được điều gì đó) hoặc lo âu tài chính do chi tiêu nhiều hơn bình thường. Tất cả những yếu tố này kết hợp lại thành cảm giác "trống rỗng" sau kỳ nghỉ.
Làm sao để vượt qua cơn uể oải sau kỳ nghỉ?
Tin vui là post-holiday blues không phải là trầm cảm lâm sàng và thường sẽ giảm dần sau vài ngày đến một tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, việc nhận biết và chủ động điều chỉnh tâm lý sẽ giúp mọi người nhanh chóng lấy lại nhịp sống cân bằng hơn.
Ngủ đủ và ngủ đúng giờ
Một trong những việc quan trọng nhất là phục hồi lại giấc ngủ. Kỳ nghỉ thường khiến lịch sinh hoạt đảo lộn - ngủ muộn, dậy trễ, thậm chí thức trắng đêm. Tuy nhiên, việc thiếu ngủ không chỉ khiến bạn mệt mỏi, cáu gắt mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như béo phì, tim mạch, huyết áp cao.
Các chuyên gia khuyến nghị người lớn nên ngủ ít nhất 7 tiếng/đêm. Bạn nên cố gắng đi ngủ và thức dậy đúng giờ trong vài ngày liên tục để đồng hồ sinh học trở lại trạng thái cân bằng.
Ăn uống lành mạnh để nâng cao tâm trạng
Sau kỳ nghỉ với tiệc tùng và đồ ăn nhiều đường, dầu mỡ, hệ tiêu hóa và não bộ đều có thể bị ảnh hưởng. Một chế độ ăn uống giàu rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có thể giúp ổn định đường huyết, từ đó cải thiện tâm trạng và mức năng lượng.
Hạn chế rượu và các chất kích thích
Dù một ly bia hay rượu vang có thể khiến bạn cảm thấy thư giãn tạm thời, nhưng về lâu dài, rượu và các chất kích thích lại khiến cảm xúc tiêu cực thêm trầm trọng, dễ gây mất kiểm soát và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nếu bạn đang cảm thấy buồn hoặc lo lắng sau kỳ nghỉ, việc tạm dừng dùng rượu hoặc cà phê quá đậm là lựa chọn nên cân nhắc.
Vận động nhẹ nhàng để cải thiện tinh thần
Không cần phải vào phòng gym ngay lập tức, chỉ cần đi bộ quanh công viên, đạp xe, nhảy dây hoặc tập yoga 15-30 phút mỗi ngày cũng đủ để cơ thể sản sinh endorphin, "hormone hạnh phúc" tự nhiên.
Đặc biệt, tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng giúp bạn tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, cải thiện giấc ngủ và giảm cảm giác lo âu.
Kết nối với người thân, bạn bè
Một trong những điều khiến kỳ nghỉ trở nên đặc biệt là sự kết nối. Sau kỳ nghỉ, việc quay lại nhịp sống một mình có thể khiến nhiều người cảm thấy cô đơn hoặc lạc lõng.
Vì vậy, hãy chủ động nhắn tin, gọi điện hoặc lên lịch cà phê với một người bạn thân. Đôi khi chỉ cần trò chuyện với người hiểu mình cũng đủ để cảm thấy nhẹ nhõm.
Lên kế hoạch cho điều gì thú vị
Cảm giác buồn chán thường đến khi bạn không còn điều gì để mong đợi. Hãy thử nghĩ đến một hoạt động nhỏ trong tương lai - như cuối tuần đi dã ngoại, học một kỹ năng mới hoặc chỉ đơn giản là nấu món ăn lạ miệng. Việc có kế hoạch khiến bạn có lý do để háo hức và duy trì cảm giác tích cực.
Theo nhà tâm lý học Hollingshead, "việc lập kế hoạch cho những trải nghiệm mới dù lớn hay nhỏ đều giúp bạn cảm thấy cuộc sống vẫn đang tiếp diễn theo hướng tích cực".
Thử điều gì đó bạn chưa từng làm
Thay vì lặp lại các hoạt động quen thuộc, bạn có thể tạo ra trải nghiệm mới mẻ bằng cách thử một lớp học vẽ, một bộ phim khác thể loại, hoặc nấu một món chưa từng nấu. Khi bạn "bẻ hướng" thói quen, não bộ sẽ được kích thích, tạo ra cảm giác hứng khởi và cải thiện tâm trạng rõ rệt.
Nghỉ lễ không nên được xem như khoảng thời gian "thoát ly tạm thời" khỏi cuộc sống thực. Ngược lại, đó là một phần tất yếu của hành trình sống - nơi chúng ta nạp lại năng lượng, kết nối cảm xúc, và chăm sóc tinh thần.
Khi nhìn nhận đúng đắn, những ngày hậu nghỉ lễ sẽ không còn là "điểm rơi cảm xúc", mà là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc cuộc sống một cách lành mạnh hơn.