Sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng của NASA bị chỉ trích vì rủi ro cao
(Dân trí) - Sứ mệnh Artemis 3 dự kiến triển khai vào giữa năm 2027, nhưng nhiều vấn đề kỹ thuật cho thấy NASA có thể vẫn chưa sẵn sàng cho sứ mệnh này.
![Sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng của NASA bị chỉ trích vì rủi ro cao - 1 Sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng của NASA bị chỉ trích vì rủi ro cao - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/q1WNs4_ohH_vuSA2KIHVDLe-gIA=/thumb_w/1020/2025/02/11/mat-trang-1739238103974.jpg)
Hình ảnh mô tả các nhà thám hiểm của sứ mệnh Artemis trên Mặt Trăng (Ảnh: NASA).
Kế hoạch Artemis 3 của NASA mang theo mục tiêu đầy tham vọng, là đưa con người trở lại Mặt Trăng kể từ sau sứ mệnh Apollo lịch sử. Nhưng theo báo cáo mới nhất từ Nhóm Tư Vấn An Toàn Hàng Không Vũ Trụ (ASAP), những rủi ro vẫn tồn tại và có thể đe dọa sự thành công của chương trình.
Theo báo cáo, trong những năm qua, NASA đã cho thấy những tiến bộ đáng kể trong chương trình Artemis, nhưng các rủi ro đang gia tăng, đặc biệt là các vấn đề trong giai đoạn phóng, hạ cánh, tái nạp năng lượng.
"Sứ mệnh Artemis 3 dự kiến triển khai vào giữa năm 2027, nhưng nhiều vấn đề kỹ thuật cho thấy NASA có thể vẫn chưa sẵn sàng cho sứ mệnh này", ASAP nêu rõ.
Một số sự cố xảy ra trong những lần thử nghiệm của sứ mệnh Artemis như rắc rối cùng tấm chắn nhiệt trên tàu Orion, hay khả năng tái nạp và bảo quản nhiên liệu trên tàu… được đề cập trong báo cáo.
Cùng với đó là quá nhiều các yếu tố mang tính chất "lần đầu tiên" cần phải được kiểm chứng thêm về mức độ an toàn và tin cậy trước khi có thể đưa phi hành gia lên Mặt Trăng.
ASAP nhấn mạnh rằng tính an toàn vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong bất kỳ nỗ lực nào của NASA liên quan tới việc đưa người lên không gian. Các bài học từ những thảm họa như Challenger và Columbia vẫn là cảnh báo rằng cần phải duy trì sự tập trung vào an toàn trước khi đẩy nhanh tiến độ.
![Sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng của NASA bị chỉ trích vì rủi ro cao - 2 Sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng của NASA bị chỉ trích vì rủi ro cao - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/KojU0pfj99jJW3pMvI5asFE0lZw=/thumb_w/1020/2025/02/11/tam-chan-nhiet-1739238252255.jpg)
Tấm chắn nhiệt của tàu Orion gặp vấn đề và bị thu hồi sau chuyến bay thử nghiệm Artemis 1 (Ảnh: NASA).
Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong việc phê duyệt ngân sách từ Quốc hội cũng ảnh hướng đến tiến độ chương trình. Văn phòng Tổng thanh tra (OIG) từng cho biết, sứ mệnh Artemis có nguy cơ bị đội chi phí khoảng 6 tỷ USD, và hơn 6 năm chậm trễ so với dự đoán ban đầu.
Theo phân tích từ giới chuyên môn, việc tận dụng động cơ RS-25 cũ và tên lửa đẩy từ chương trình tàu con thoi Apollo, Constellation cho Hệ thống phóng tên lửa SLS tân tiến của NASA đã thực sự gặp phải trở ngại.
Ban đầu, ý tưởng này được đưa ra nhằm tiết kiệm chi phí và lịch trình đáng kể so với việc phát triển các hệ thống mới.
Thế nhưng sự phức tạp trong việc phát triển, cập nhật, tích hợp các hệ thống mới dựa trên các thành phần cũ đã tiêu tốn nhiều tài nguyên và thời gian của NASA hơn so với dự đoán.
"NASA sẽ phải đối mặt với vô số những hạn chế và thách thức to lớn về ngân sách, vấn đề địa chính trị, kỹ thuật, sức khỏe và y tế", báo cáo kết luận.
"Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chiến dịch Artemis và duy trì sự hiện diện của Mỹ trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp".