1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57
  3. Hai phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian
  4. Tại sao lại thế?

SpaceX mở ra kỷ nguyên khám phá không gian theo quỹ đạo cực

Minh Khôi

(Dân trí) - Sứ mệnh Fram2 mở ra cột mốc mới khi đưa phi hành đoàn bay qua cả cực Bắc và cực Nam trong chuyến bay kéo dài hơn 3 ngày.

SpaceX mở ra kỷ nguyên khám phá không gian theo quỹ đạo cực - 1

Tỷ phú Chun Wang (giữa) tài trợ toàn bộ cho chuyến bay lịch sử, với sự tham gia của 4 thành viên phi hành đoàn (Ảnh: SpaceX).

Rạng sáng 5/4 theo giờ Việt Nam, tàu vũ trụ Crew Dragon Resilience của SpaceX đã hạ cánh an toàn xuống vùng biển Thái Bình Dương, ngoài khơi thành phố Oceanside, bang California, Mỹ, chính thức kết thúc sứ mệnh Fram2 kéo dài hơn 3 ngày trong không gian.

Điều đặc biệt của Fram2, đây là chuyến bay có người lái đầu tiên có lộ trình bay theo quỹ đạo cực vòng quanh Trái Đất. Bởi lẽ đó, sứ mệnh đánh dấu cột mốc chưa từng có trong lịch sử thám hiểm không gian, mở ra tương lai mới cho ngành vũ trụ tư nhân.

Theo Space, 4 thành viên của phi hành đoàn là những người đầu tiên trong lịch sử loài người bay qua cả cực Bắc và cực Nam trong cùng một sứ mệnh, cũng như được chiêm ngưỡng góc nhìn hiếm thấy từ quỹ đạo xuống 2 địa cực, vốn luôn là biểu tượng của sự bí ẩn, lạnh giá và cô lập.

Không giống quỹ đạo bay dọc theo xích đạo của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), quỹ đạo cực cho phép quan sát toàn bộ bề mặt Trái Đất, từ vùng xích đạo đến địa cực. Giới chuyên môn đánh giá sứ mệnh tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực quan sát Trái Đất, viễn thám và môi trường.

Sứ mệnh Fram2 được tài trợ hoàn toàn bởi Chun Wang, tỷ phú người Malta gốc Trung Quốc. Ông đồng thời giữ vai trò chỉ huy huấn luyện và người tuyển mộ chính đằng sau kế hoạch đầy tham vọng này.

Tại đó, ông đã cùng với 3 nhà thám hiểm khác tạo nên một phi hành đoàn đa quốc tịch, gồm Jannicke Mikkelsen (Na Uy) - đạo diễn phim; Rabea Rogge (Đức) - kỹ sư; và Eric Philips (Úc) - nhà thám hiểm kiêm chuyên gia y tế.

SpaceX mở ra kỷ nguyên khám phá không gian theo quỹ đạo cực - 2

Toàn bộ Nam Cực được quan sát thấy từ tàu Dragon trong sứ mệnh Fram2 (Ảnh: SpaceX).

Mối liên hệ đặc biệt của các thành viên trong phi hành đoàn với vùng cực bắt nguồn từ một hành trình ở quần đảo Svalbard, nơi họ từng cùng nhau khám phá băng giá. Từ đó, nảy sinh ý tưởng thực hiện một sứ mệnh không gian tập trung vào tôn vinh các vùng địa cực Trái Đất - điều mà ngay cả ISS cũng không thể mang lại.

Từ góc độ khoa học, Fram2 mở ra một hướng tiếp cận mới trong việc nghiên cứu các hiện tượng địa cực từ không gian, bao gồm sự biến đổi băng tuyết, tầng ozon, hoạt động từ trường và các hệ sinh thái địa cực - những vấn đề đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đồng thời, việc đưa con người đến quỹ đạo cực đặt ra yêu cầu mới về thiết kế tàu vũ trụ, quản lý nhiệt độ và điều hướng, từ đó kích thích sáng tạo và cải tiến công nghệ trong ngành hàng không vũ trụ.

Trong thời gian ở ngoài không gian, phi hành đoàn Fram2 cũng đã tiến hành 22 thí nghiệm khoa học, tập trung vào các yếu tố sinh học, y học không gian và vi sinh vật học.

Trong số đó nổi bật là thí nghiệm chụp X-quang đầu tiên trên người trong điều kiện không trọng lực, mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc phát triển công nghệ chẩn đoán y tế từ xa trong các sứ mệnh liên hành tinh trong tương lai.

Theo www.space.com