Mỗi người cần sinh bao nhiêu con để nhân loại không tuyệt chủng?
(Dân trí) - Nghiên cứu mới cho thấy mỗi phụ nữ cần sinh trung bình 2,7 con để duy trì sự tồn tại của nhân loại.

Theo thống kê, tỷ lệ sinh tại nhiều nước đang rơi xuống mức thấp kỷ lục, và liệu điều đó có đủ để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của loài người? (Ảnh: Getty).
Nghiên cứu khoa học mới đây vừa công bố trên tạp chí Plos One cảnh báo, để tránh nguy cơ tuyệt chủng trong dài hạn, mỗi phụ nữ có thể cần sinh tới 2,7 con, cao hơn đáng kể so với tiêu chuẩn tại hầu hết các quốc gia phát triển.
Phát hiện này một lần nữa đặt ra câu hỏi lớn về tương lai dân số toàn cầu, trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại nhiều nước đang rơi xuống mức thấp kỷ lục, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Con số mới được đưa ra sau khi các nhà khoa học xem xét lại hàng loạt yếu tố thường bị bỏ qua trong các tính toán truyền thống, như tỷ lệ tử vong, mất cân bằng giới tính, tỷ lệ cá nhân không sinh sản, và biến động ngẫu nhiên trong quy mô gia đình.
Trước đó, tỷ phú công nghệ Elon Musk - người có 14 người con và từ lâu đã cảnh báo về "cuộc khủng hoảng giảm dân số" - cho rằng tỷ lệ sinh thấp là rủi ro lớn nhất đối với tương lai của nền văn minh nhân loại.
Ông nhấn mạnh rằng tình trạng này sẽ dẫn đến thiếu hụt lao động, gia tăng gánh nặng nợ công, hệ thống an sinh bị quá tải và kéo theo bất ổn xã hội.
Theo Musk, nhiều nền văn minh trong lịch sử sụp đổ không phải vì bị xâm lược mà vì chính sự thịnh vượng khiến người dân sinh ít con, từ đó dẫn đến suy giảm dân số và dễ bị chinh phục.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm mạnh, từ mức 5,3 con/phụ nữ vào năm 1960 xuống chỉ còn 2,3 vào năm 2023. Hiện tại, Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới với mức 0,87, trong khi Mỹ ghi nhận mức 1,62, còn Anh và xứ Wales chỉ đạt 1,44 - mức thấp nhất kể từ những năm 1930.
Tại Trung Quốc, dân số đã giảm hơn 1,39 triệu người trong năm 2024, kéo theo xu hướng tương tự ở các quốc gia Đông Á như Nhật Bản và Hồng Kông.
Các chuyên gia lý giải rằng chi phí sinh hoạt tăng cao, áp lực giáo dục và tâm lý trì hoãn kết hôn là những nguyên nhân chính khiến giới trẻ ở các nước phát triển ngày càng ngại sinh con.
Mức sinh thấp kéo theo nguy cơ già hóa dân số, thiếu hụt lực lượng lao động và sụp đổ hệ thống bảo trợ xã hội nếu không có sự thay đổi chính sách kịp thời.
Dẫu vậy, một số nhà nhân khẩu học vẫn cho rằng lo ngại của Elon Musk có phần cường điệu. Ông Joseph Chamie, cựu Giám đốc ban Dân số Liên Hợp Quốc, cho rằng dù một số quốc gia đang suy giảm dân số, dân số toàn cầu vẫn được dự báo sẽ tăng cho đến khoảng năm 2080, đạt đỉnh khoảng 10,3 tỷ người, sau đó mới bắt đầu giảm nhẹ.
Từ những phát hiện mới, nhóm nghiên cứu kêu gọi các chính phủ cần xem xét lại các chính sách dân số và điều chỉnh lại mục tiêu sinh sản theo hướng thực tế hơn.
Theo họ, tính bền vững của một xã hội không chỉ nằm ở số lượng, mà còn liên quan đến sự bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và di sản nhân loại - những yếu tố có thể bị mất đi vĩnh viễn nếu tỷ lệ sinh tiếp tục ở mức thấp như hiện nay.