1. Dòng sự kiện:
  2. Hai phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian
  3. Tại sao lại thế?

ESA cảnh báo khẩn về rác vũ trụ

Minh Khôi

(Dân trí) - Hàng triệu vật thể lớn nhỏ đang bay quanh Trái Đất với vận tốc cực lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây hư hại nghiêm trọng cho các vệ tinh, công trình quan trọng.

ESA cảnh báo khẩn về rác vũ trụ - 1

Hình ảnh trực quan về các mảnh vỡ đang tràn ngập quỹ đạo Trái Đất (ESA).

Rác không gian đang dần trở thành một hiểm họa đối với toàn bộ hoạt động trong quỹ đạo Trái Đất, theo cảnh báo mới nhất từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) trong Báo cáo Môi trường Không gian năm 2025.

"Với hàng loạt vệ tinh, tầng tên lửa và mảnh vỡ bị bỏ lại sau mỗi lần phóng, không gian quanh hành tinh chúng ta đang bị bao phủ bởi một lượng lớn vật thể không còn sử dụng, có nguy cơ gây ra các va chạm nguy hiểm", ESA cho biết.

Theo đó, tốc độ phóng vệ tinh của nhân loại đang vượt xa khả năng thu hồi hoặc tiêu hủy các tàn dư từ quá trình này trong khí quyển.

Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 40.000 vật thể được giám sát trên quỹ đạo Trái Đất, trong đó chỉ khoảng 11.000 là vệ tinh còn hoạt động. Phần còn lại chủ yếu là rác vũ trụ - bao gồm 54.000 vật thể lớn hơn 10 cm, 1,2 triệu mảnh có kích thước từ 1-10 cm, và đặc biệt đáng lo ngại là 130 triệu mảnh vụn nhỏ từ 1 mm đến 1 cm đang bay quanh Trái Đất với vận tốc cực lớn.

Dù nhỏ, các mảnh vỡ này có thể gây hư hại nghiêm trọng cho các vệ tinh, thậm chí là những công trình quan trọng như Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hoặc Kính viễn vọng Hubble.

ESA cảnh báo khẩn về rác vũ trụ - 2

Biểu đồ ngoại suy số lượng va chạm không gian ngày càng tăng dựa theo mật độ các sứ mệnh không gian trong năm 2025 (màu đỏ) và nếu không có thêm vật thể nào được phóng (màu xanh) (Ảnh: ESA).

ESA lên tiếng cảnh báo về hiện tượng "chuỗi Kessler", xảy ra khi một vụ va chạm tạo ra nhiều mảnh vỡ hơn, dẫn đến các va chạm tiếp theo và hình thành một phản ứng dây chuyền ngoài tầm kiểm soát.

Ngay cả khi dừng hoàn toàn việc phóng vệ tinh mới, lượng rác hiện tại vẫn có thể khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.

Đáng chú ý, năm 2024 ghi nhận 11 sự kiện phân mảnh không do va chạm, tạo ra ít nhất 2.633 mảnh rác mới. Những sự cố như vậy, thường đến từ vụ nổ nhiên liệu hoặc hao mòn vật liệu, gần như không thể dự đoán hay kiểm soát, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm quỹ đạo.

Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Trong đó, tỷ lệ tái nhập khí quyển có kiểm soát đã tăng lên đáng kể, khi có khoảng 90% thân tên lửa ở quỹ đạo thấp hiện đã rời khỏi quỹ đạo theo chuẩn tái nhập trong vòng 25 năm, trong đó hơn 50% được kiểm soát tái nhập hoàn toàn.

ESA nhấn mạnh, chúng ta không chỉ cần giảm rác mới, mà còn phải dọn dẹp những tàn dư hiện tại trên bầu khí quyển thông qua các sáng kiến thu gom rác vũ trụ, yêu cầu sự hợp tác quốc tế sâu rộng.

Nếu không có hành động phối hợp và quyết liệt, quỹ đạo Trái Đất có thể trở nên "không an toàn để sử dụng" trong tương lai gần. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi ngành phụ thuộc vào không gian, từ viễn thông, thời tiết, điều hướng đến quốc phòng.

Theo www.sciencealert.com