Sản phẩm y tế “Designed by Vietnam” sắp được bán tại Mỹ

Cuối tháng 10/2015, nhà máy United Healthcare (U.H) khánh thành tại Khu công nghệ cao TP.HCM, là nhà máy sản xuất thiết bị y tế về tim mạch theo tiêu chuẩn tiên tiến thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Cuối năm 2016, thông tin Stent “made in Vietnam” giá bằng 1 nửa nước ngoài được phủ sóng rộng rãi, mang đến niềm vui lớn cho gia đình những bệnh nhân tim mạch. Tháng 3/2017, Khoa Y, ĐH Tân Tạo đã đi đến bước bàn thảo đưa sản phẩm “designed by Vietnam” vào thị trường thiết bị y tế Mỹ.

Chấp nhận mất 1000 USD cho thiết bị Bóng nong và Stent để cứu tính mạng

Theo thống kê của mới nhất của WHO, cứ 100,000 người thì có khoảng 45 người chết vì bệnh liên quan đến động mạch tim. Và việc đặt stent là 1 trong những phương pháp được xem là hiệu quả nhất để chống lại chứng tắc nghẽn động mạch tim này

Sản phẩm y tế “Designed by Vietnam” sắp được bán tại Mỹ - 1

Sinh Viên Y, TTU thuyết trình về tính năng của sản phẩm Bóng nong và stent thế hệ thứ 3

Trong các thủ thuật nhằm điều trị bệnh lý hẹp động mạch mạch vành, bác sĩ tim mạch can thiệp sẽ thực hiện việc nong chỉnh mạch máu. Một ống rất nhỏ, dài và mỏng gọi là catheter kèm với 1 "bóng" được gắn ở đỉnh sẽ nong bóng tại nơi hẹp hay tắc của mạch máu nhằm phá tan hay ép mảng xơ vữa vào thành động mạch. Động tác này sẽ một phần làm tái thông mạch máu và giúp nới rộng lòng mạch nhằm hỗ trợ cho việc đặt stent mạch vành ngay sau đó. Stent trong lòng mạch sẽ đóng vai trò như một khung đỡ lâu dài giúp cho máu được lưu thông tốt. Trong các thủ thuật tái thông mạch vành, nong bóng và đặt stent thường đi đôi với nhau.

Trước đây, Việt Nam và các nước Đông Nam Á phải chấp nhận nhập Bóng nong và stent của Mỹ với giá 1000 USD. Cộng với chi phí cho 1 ca đặt stent không phủ thuốc lên đến 40-50 triệu ở bệnh nhân có bảo hiểm và 70-80 triệu ở bệnh nhân không bảo hiểm đã khiến cho rất nhiều bệnh nhân đành chấp nhận lựa chọn điều trị nội khoa với thuốc do không thể kham nổi chi phí của điều trị đặt stent. Hoặc đầu hàng và chờ chết.

Khoa Y, ĐH Tân Tạo ( TTU) được mời hợp tác nghiên cứu Bóng nong và stent thế hệ thứ 3

Sự kiện sản xuất thành công Bóng nong và Stent của Công ty United Healthcare (U.H) với giá thành 500 USD, chất lượng được kiểm định đã tạo nên những diễn biến tích cực trong quá trình điều trị Tim mạch can thiệp tại Việt Nam. Việc chỉ mất ½ chi phí so với trước sẽ giúp giảm bớt rất lớn gánh nặng chi phí cho bệnh nhân cũng như phổ rộng phương pháp điều trị hiệu quả đến được với nhiều người bệnh hơn. Tỉ lệ tử vong cũng như những biến chứng lâu dài do bệnh lý mạch vành gây ra được giảm thiểu.

Vấn đề với các nhà nghiên cứu Việt Nam chính là: theo kịp tiến độ nghiên cứu và phát triển tại Mỹ với các thế hệ Bóng nong thứ 3, thứ 4. Ngày 15/3/2016, FDA Hoa Kỳ đã bỏ 9 phiếu thuận, đồng ý rằng Absorb – một loại stent tự tiêu biến của công ty Abbott có lợi nhiều hơn hại trong việc chữa trị chứng tắc nghẽn động mạch tim. Sản phẩm được dọn đường để bước vào thị trường Mỹ và hy vọng sẽ trở thành tiêu chuẩn mới trong việc đặt stent trên toàn cầu.

Đoàn nghiên cứu TTU chụp hình lưu niệm với đại diện Công ty U.H ngày 26/3
Đoàn nghiên cứu TTU chụp hình lưu niệm với đại diện Công ty U.H ngày 26/3

Tại United Healthcare (U.H), điều khiến nhà sản xuất trăn trở chính là việc tìm ra 1 đối tác uy tín hợp lực nghiên cứu và sản xuất thế hệ Bóng và stent đời thứ 3 nhằm theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt tại Mỹ và thế giới. Khoa Y, TTU được lựa chọn. GS Thạch Nguyễn – Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y cho biết: “Đội ngũ nghiên cứu gồm các giảng viên, các sinh viên ưu tú, bác sĩ từ các bệnh viện có liên thông với TTU cũng như các kỹ sư của công ty đối tác”. Ông hoàn toàn tin rằng, việc hợp tác giữa U. H và TTU là xu thế tất yếu. Ông cho biết: “Tại Hoa Kỳ, các tập đoàn nổi tiếng thế giới đa phần đều có trụ sở đặt gần những trường đại học danh tiếng và tạo nên những thành phố công nghiệp cực kỳ lớn".

Một ví dụ rất điển hình đó là thung lũng Silicon với trường ĐH Stanford hay thành phố Boston với trường ĐH Harvard hàng đầu thế giới. Điều này được giải thích rất đơn giản:"sự tương tác và gắn bó chặt chẽ giữa môi trường học thuật của các đại học và môi trường thực tế của các tập đoàn tạo nên một nền tảng phát triển cực kỳ sáng tạo và hiệu quả. Dựa trên xu hướng này, TTU cố gắng trong việc tạo nên một liên kết giữa các tập đoàn công nghiệp và môi trường học thuật của trường đại học. Khoa Y với đội ngũ giảng viên và sinh viên năng động, sáng tạo sẽ là một nguồn cung cấp kiến thức, ý tưởng hỗ trợ cho các kỹ sư trong việc sản xuất Bóng nong và stent mạch vành. Ngược lại các tập đoàn sản xuất thiết bị y tế sẽ cung cấp một môi trường để đưa những ý tưởng này vào thực tế, tạo nên những sản phẩm y tế "designed by Vietnam", mà trong đó Bóng nong và stent mạch vành sẽ là bước ngoặc đầu tiên”.

Cầu nối thương mại đưa thiết bị y tế Việt vào Mỹ

Công việc của khoa Y là thử nghiệm sản phẩm, đưa ra ý kiến để giúp cho sản phẩm tốt hơn. Đồng thời, qua mối liên hệ hết sức gần gũi và tốt đẹp của GS Thạch Nguyễn với các bác sĩ tim mạch can thiệp hàng đầu của Hoa Kỳ, Ban quản trị U.H bày tỏ nguyện vọng được TTU “hỗ trợ hết sức, sớm đưa sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ vì khi thị trường Hoa Kỳ chấp nhận sản phẩm này, nó sẽ được thừa nhận trên toàn thế giới”.

GS Thạch Nguyễn ( trên cùng, bên trái hình) - Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y, TTU thuyết trình tại công ty U.H về Bóng nong và stent thế hệ thứ 3
GS Thạch Nguyễn ( trên cùng, bên trái hình) - Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y, TTU thuyết trình tại công ty U.H về Bóng nong và stent thế hệ thứ 3

Trong hai ngày 31/3,1/4, khi tham dự Hội Nghị “Điều Trị Tim Mach Can Thiệp” tại Bắc Kinh, Trung Quốc, chủ tịch Võ Xuân Bội Lâm cùng thành viên Ban quản trị U.H đã được GS Thạch Nguyễn giới thiệu nhiều bác sĩ tim mạch can thiệp nổi tiếng của Hoa Kỳ: GS. Ted Feldman – BV Evanston (Chicago, IL), GS Ron Walkman - Giám đốc Trung tâm tim mạch Washington, DC, GS Alan Yeung- Giám đốc tim mạch Trung tâm Y khoa ĐH Stanford. Đại diện U.H bày tỏ lòng biết ơn vì “nhờ có sự nghiêm túc, say mê và 1 trình độ học thuật đáng ngưỡng mộ của giảng viên, sinh viên khoa Y, TTU nên mới sớm đưa được sản phẩm Bóng nong và stent thế hệ thứ 3 này vào sản xuất và cung cấp ra thị trường thiết bị Y tế vốn còn rất ít những sản phẩm “designed by Vietnam”.

Theo thông tin mới nhất, sản phẩm được Khoa Y phối hợp nghiên cứu và giữ vai trò cầu nối thương mại tại Mỹ đã có những tín hiệu khả quan. “ Dr Walkman of Washington DC đã nhận lời đưa Bóng nong mạch vành Việt Nam qua Mỹ”. GS Thạch Nguyễn vui mừng thông báo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm