Mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị bệnh
(Dân trí) - Vừa qua, BV Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật mở rộng với nhiều báo cáo từ những ca điều trị thực tế, cứu sống được bệnh nhân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện…
Những đề tài từ thực tế
Trong lần Hội nghị khoa học này, có 19 đề tài nghiên cứu từ thực tiễn tại BV Quốc tế Đồng Nai và một số BV khác được trình bày. Điển hình, BS. Trần Ngọc Lưỡng, khoa Ngoại tổng quát của BV báo cáo kết quả sớm của phẫu thuật cắt nối đại tràng phải một thì trong cấp cứu tại BV.
Để làm đề tài này, BS. Lưỡng đã ghi nhận tất cả các ca bệnh phẫu thuật cấp cứu đại tràng nhập viện từ năm 2014-2018 tại BV. Cụ thể, có 6 ca u đại tràng phải cắt khối u, rồi làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân, sau đó mới tiến hành nối đại tràng.
Với các trường hợp này, bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật 2 thì (2 lần phẫu thuật). Còn 5 ca phẫu thuật cấp cứu cắt nối đại tràng 1 thì, trong đó, có 3 trường hợp tắc ruột do ung thư đại tràng, 2 trường hợp áp xe hoại tử thủng hồi manh tràng.
Theo BS. Lưỡng, trước đây, các bệnh lý về đại tràng như: vết thương, u bướu, những tổn thương khác ở đại tràng, thường phải làm hậu môn nhân tạo trong ca mổ đầu tiên. Sau khi bệnh nhân ổn định (khoảng 2-3 tháng), bác sĩ đóng hậu môn nhân tạo này và nối đại tràng. Như vậy, bệnh nhân phải mang hậu môn nhân tạo trong một khoảng thời gian dài và phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật.
Điều này vừa gây bất tiện cho bệnh nhân, vừa thêm chi phí điều trị tốn kém. Hiện nay, một số BV tại Việt Nam đã thay đổi quan điểm trong phẫu thuật. Những bệnh nhân cấp cứu về những tổn thương đại tràng sẽ được tiến hành cắt, nối đại tràng ngay trong 1 ca mổ. “Tuy nhiên, chúng tôi phải lựa chọn bệnh nhân cẩn thận để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra trong cấp cứu”, BS. Lưỡng nói. Trong 5 ca phẫu thuật đại tràng tại BV Quốc tế theo phương pháp mới này đều không xảy ra các biến chứng đáng sợ như: xì rò miệng nối, tử vong hay mổ lại.
BS. Trần Đình Thanh, BVĐK Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng báo cáo 1 ca bệnh hiếm tại hội nghị này. Theo đó, thời gian qua, BV này đã tiếp nhận một bệnh nhân 43 tuổi bị lao vú. Khi nhập viện, phần vú của bệnh nhân bị áp-xe kèm nhiều lỗ rò mủ. Triệu chứng này đã xuất hiện từ lâu nhưng bệnh nhân chỉ tự mua kháng sinh thông thường uống vì nghĩ bị viêm vú. Sau khi khám, siêu âm tuyến vú, nhũ ảnh, làm tế bào học… BS. Thanh đã chẩn đoán bệnh nhân bị lao vú và điều trị bằng thuốc kháng lao trong 9 tháng.
Không ngại nghiện cứu, áp dụng kỹ thuật mới
Lượng bệnh nhân đến chữa trị tại BV Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai ngày càng đông. Những năm đầu mới thành lập (2013-2016), lượng bệnh nhân nôi trú chỉ khoảng 100 ca/ ngày. Nhưng năm nay, số lượng bệnh nhân nội trú đã tăng gấp đôi. Để thu hút được bệnh nhân đến điều trị, BV phải áp dụng những kỹ thuật mới, mang lại hiệu quả thực tế cho người bệnh.
Bên cạnh phát triển chuyên môn, BV này còn chú trọng đến việc nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực. ThS. BS. Lê Đình Hùng, Giám đốc BV Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai chia sẻ, hàng năm BV vẫn tổ chức hội nghị khoa học nội bộ. Còn hội nghị khoa học kỹ thuật mở rộng cần lượng đề tài khoa học chuyên sâu, chất lượng hơn nên 2 năm BV mới có thể tổ chức 1 lần, trong đó có cả các đề tài khoa học của các BV khác tham gia.
Đây chính là cơ hội để y, bác sĩ của các BV trao đổi về chuyên môn. “Nghiên cứu khoa học này chính là kết quả từ thực tế. Các đề tài đều báo cáo, ghi nhân việc ứng dụng những kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh”, BS. Hùng cho biết.
Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ cao được áp dụng.
Các đề tài khoa học được báo cáo tại hội nghị đều có sự phản biện, trao đổi giữa các bác sĩ với nhau. Hiện nay, các đề tài nghiên cứu khoa học tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc áp dụng kỹ thuật mới trên thế giới để đúc rút kinh nghiệm. Đây cũng là phương pháp để đào tạo liên tục cho các bác sĩ.
BS. Lưỡng cho hay, 10 năm làm việc về ngoại khoa, bên cạnh việc phát triển chuyên môn để phục vụ bệnh nhân, việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học còn phục vụ cho đồng nghiệp. “Khi ứng dụng một kỹ thuật mới trong chẩn đoán, chữa trị, chúng tôi sẽ ghi nhận lại một cách tỉ mỉ để làm tài liệu cho đồng nghiệp của mình tham khảo. Nếu nhiều bác sĩ cùng phát huy được lợi ích của sự tiến bộ trong y học thì sẽ mang lại lợi ích lớn đến cả cộng đồng”, BS. Lưỡng chia sẻ.
Dù làm việc tại 1 bệnh viện tư nhân, nhưng BS. Lưỡng đã thực hiện được nhiều ca bệnh khó, áp dụng những kỹ thuật mới. Khi đối mặt với những ca khó hay ứng dụng kỹ thuật mới, các bác sĩ cũng chịu rất nhiều áp lực. Bởi, nếu bệnh nhân khỏe mạnh, hết bệnh thì họ cho đó là chuyện “dĩ nhiên”. Nhưng nếu bệnh nhân bị biến chứng, họ sẽ phản ứng rất gay gắt đối với bác sĩ, BV.
“Việc ứng dụng kỹ thuật mới ở BV công, bác sĩ đã đối mặt với áp lực. Ở BV tư nhân, áp lực này còn lớn hơn nhiều. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là lợi ích của bệnh nhân nên chúng tôi không ngại tìm tòi, ứng dụng kỹ thuật mới”, BS. Lưỡng tâm sự.