Chuyên gia địa chất hiến kế xử lý ô nhiễm biển miền Trung

(Dân trí) - Trao đổi với <i>Dân trí</i>, GS.TS Trần Nghi – một nhà khoa học địa chất danh tiếng khẳng định: “Những chất tích tụ ở dưới đáy biển thì một phần nào đó theo thời gian nó cũng sẽ phát tán lên dòng chảy đáy mà mai một dần. Dòng chảy ở đây là chảy liên tục và từ Bắc vào Nam nên khi độc tố dần hết thì hệ sinh thái biển sẽ tự phục hồi”

Trước thông tin có ý kiến cho rằng, cần phải có sự can thiệp của con người trong việc xử lý thu hồi chất độc hại ở đáy biển, GS Trần Nghi khẳng định: “Điều đó là không tưởng và hết sức ngớ ngẩn. Chúng ta có thể mất hàng tỷ đô là cũng cả triệu năm cũng không thể xử lý hết được các độc tố ở dưới đáy biển. Nên nhớ ở đây là phán tán nhưng không tập trung một chỗ”


San hô bị chết ở đáy biển bốn tỉnh miền Trung

San hô bị chết ở đáy biển bốn tỉnh miền Trung

GS Trần Nghi phân tích: Các chất độc tố không tập trung vào một chỗ mà phát tán toàn bộ đới biển ven bờ từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên - Huế, các chất này nó nằm ở trầm tích sét (trầm tích keo). Muốn hút được thì phải biết các chất này nó nằm ở đâu?

Các độc tố bị phát tán ở trầm tích đáy thì chúng ta có hút 1 triệu năm cũng không hết được bởi lớp bùn ở dưới đáy biển được cung cấp liên tục từ sông, hồ ra. Trong khi đó từ Hà Tĩnh cho đến Đà Nẵng thì có quá nhiều sông ngòi. Vật liệu phù sa ở trên núi được đưa ra biển thì trong đó có đất sét, có cát… Dòng chảy ven bờ bao giờ cũng đi từ Bắc đến Nam. Các loại này nặng nên nó đi là là dưới đáy biển.

Cũng theo GS Trần Nghi, vụ việc Pormosa chúng ta nên quan tâm đến dòng chảy đáy bởi các độc tố đã được tích tụ và chìm xuống. Các độc tố còn lại trên bề mặt nước thì dẫn sẽ bị pha loãng và theo thời gian nước biển sẽ trở lại bình thường bởi dòng chảy nó không đứng yên.

Những chất tích tụ ở dưới đáy biển thì một phần nào đó theo thời gian nó cũng sẽ phát tán lên dòng nước chảy ở đáy biển. Dòng chảy này liên tục chảy từ Bắc đến Nam và không cố định nên mức độ phát tán của nó hết sức nhanh theo thời gian.

“Mức độ phát tán như thế nào thì chúng ta phải tính toán, nhưng theo thời gian chắc chắn biển sẽ trở lại bình thường. Hệ sinh thái sẽ tự hồi phục và rất nhanh bởi dòng chảy đáy là đới ven bờ và liên tục từ Bắc đến Nam (mức độ ô nhiễm chủ yếu là ở đới ven bờ và lan ra đến độ sâu khoảng 30m). Việc phục hồi này chúng ta không cần phải can thiệp mà thiên nhiên sẽ làm” – GS Trần Nghi nhấn mạnh.

GS Trần Nghi cũng cho rằng, hiện tại có thể các chất độc hại đang nằm trong hang hoặc các rạn san hô… Nếu nó nằm yên thì việc phát tán độc tố là một lượng cực nhỏ nhưng nếu chúng ta can thiệp hay tác động vào để nó bị khuấy lên thì chẳng khác nào lại là một “Formosa thứ 2”.

“Như tôi đã nói, chắc chắn theo thời gian các độc tố này sẽ bị mai một đi bởi dòng chảy đáy chảy liên tục từ Bắc đến Nam. Mấu chốt lớn nhất mà chúng ta cần phải làm đó là giám sát chặt chẽ để Formosa không tiếp tục xả thải ô nhiễm nữa. Chúng ta phải kiểm soát được và thực sự có hiệu quả, đây là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quan trọng nhất là hệ thống ống xả thải của Formosa không được đặt thấp ở dưới đáy mà phải đưa lên trên cao. Khi ống xả đặt trên cao thì dễ giám sát và dòng nước chất thải cũng nhanh phát tán hơn” – GS Trần Nghi nêu quan điểm.

Trước thông tin các nhà khoa học đang khảo sát 13 mặt cắt từ biển Vũng Áng cho tới tỉnh Thừa Thiên - Huế để xác định hàm lượng độc tố còn tồn dư dưới đáy biển các khu vực này, GS Nghi cho hay: Việc khảo sát đo mặt cắt nhằm mục tiêu xác định hàm lượng chất độc phán tán theo dọc bờ và từ bờ ra ngoài là bao nhiêu, có phải giảm dần từ trong ra ngoài không không, có giảm dần từ Hà Tĩnh ra đến Huế không… Căn cứ vào các số liệu này người ta có thể biết bao nhiêu lâu thì biển trở lại bình thường. Nếu việc đo mà để tác động một phương pháp nào đó để xử lý thì lại là sai lầm.

“Là người nhiều năm nghiên cứu địa chất, tôi nghĩ chúng ta chỉ cần đo hai mùa trong 1 năm (mùa mưa và mùa khô) và năm nào cũng phải đo. Mục đích ở đây là kiểm soát tốc độ suy giảm độc tố này theo thời gian như thế nào. Chúng ta lấy mẫu theo cột 4 số liệu và theo mạng lưới… sau đó đưa lên bản đồ theo dõi. Từ các số liệu này chúng ta sẽ biết được khi nào thì biển trở lại bình thường” – GS Trần Nghi nói.

Nguyễn Hùng (ghi)