Ý tưởng sạc pin điện thoại bằng… quần áo

(Dân trí) - Các nhà khoa học tại Đại học Masschausetts Amherst của Mỹ đang phát triển ý tưởng biến quần áo mặc hằng ngày thành nguồn sạc điện thoại di động.

Ý tưởng sạc pin điện thoại bằng… quần áo - 1

Chuyển động tạo ra năng lượng. Mỗi khi bạn cử động và di chuyển tay, chân hay bất cứ bộ phận nào khác trên cơ thể, bạn đang truyền năng lượng vào đó. Chúng ta đều biết năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi, chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Điều này có nghĩa chúng ta hoàn toàn có thể thu gom nguồn năng lượng có được từ các chuyển động hằng ngày của cơ thể để biến nó thành các nguồn năng lượng khác.

Các nhà khoa học tại Đại học Massachusetts Amherst đang nghiên cứu phát triển loại quần áo có thể dùng chính năng lượng từ chuyển động cơ thể để sạc điện thoại di động.

Cụ thể, các nhà khoa học đang nghiện cứu phát triển một loại vải tráng polymer dẫn điện bằng việc phủ một lớp polymer có độ dày bằng 1/10 đường kính tóc người lên 14 loại sợi như cotton, linen, lụa... bằng phương pháp lắng đọng hơi hóa học. Quá trình này biến sợi vải thành một điện cực, có khả năng truyền dẫn dòng điện sinh ra khi sợi vải cọ xát do chuyển động của con người.

Trisha Andrew, nhà khoa học vật liệu ở Đại học Massachusetts-Amherst cho biết, hiện tại họ đã có thể tạo ra vài microwatt điện, đủ để thắp sáng đèn LED và cần thêm thời gian nghiên cứu để mẫu quần áo từ vải tráng Polymer này có thể tạo ra đủ điện năng để sạc đầy pin cho các thiết bị điện thoại di động di động.


Mẫu vải tráng Polymer thử nghiệm đã có thể tạo ra năng lượng thắp sáng được đèn LED và cần them thời gian nghiên cứu để cung cấp đủ năng lượng sạc pin điện thoại

Mẫu vải tráng Polymer thử nghiệm đã có thể tạo ra năng lượng thắp sáng được đèn LED và cần them thời gian nghiên cứu để cung cấp đủ năng lượng sạc pin điện thoại

Ứng dụng sợi dẫn điện cho mục tiêu thương mại hiện chưa khả thi. Chi phí là một trở ngại mà Andrew và các đồng nghiệp phải khắc phục vì phương pháp lắng đọng hơi hóa học rất tốn kém và tạo ra một số thách thức về mặt kỹ thuật.

Đoàn Dương (Theo Quartz)