1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Xuất hiện quầng sáng xanh trên sao Hỏa

(Dân trí) - Giải thích được hiện tượng này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được thêm về khí quyển sao Hỏa để chuẩn bị tốt hơn cho các chuyến du hành thám hiểm bề mặt hành tinh Đỏ.

Xuất hiện quầng sáng xanh trên sao Hỏa - 1

Hình ảnh mô phỏng quầng sáng màu xanh lá trên sao Hỏa do tàu thám hiểm Trace Gas Orbiter ghi nhận được.

Sao Hỏa còn được gọi là Hành tinh Đỏ vì hình ảnh của nó thường có sắc màu đồng. Đây là một nơi rất khô, đầy gió và bụi, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Xa xưa, hành tinh này là nơi rất ẩm ướt với nhiều sông, hồ lớn trải khắp trên bề mặt. Nếu như sự sống đã từng bắt nguồn từ đây trong quá khứ xa xưa thì rất có thể hành tinh này đã phủ đầy màu xanh tươi tốt.

Các nhà nghiên cứu đã công bố trên tạp chí Thiên văn học Tự nhiên, Mỹ, cho biết sao Hỏa lại một lần nữa có màu xanh, nhưng không phải do bất ngờ mọc lên những rừng cây xanh, mà do lớp khí quyển mỏng của sao Hỏa phát ra ánh sáng màu xanh lá. Tàu thám hiểm Trace Gas Orbiter đã chụp được ánh sáng xanh lấp lánh này.

Trên Trái Đất, đôi khi chúng ta có thể bắt gặp những “buổi biểu diễn” ánh sáng ngoạn mục trên bầu trời đêm ở một số nơi. Ví dụ như cực quang phương Nam hoặc cực quang phương Bắc là hiện tượng luôn thu hút sự chú ý của nhiều người hiếu kỳ cũng như các nhà nghiên cứu. Hình ảnh ánh sáng xanh da trời, xanh lá cây và các màu sắc khác trên bầu trời được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh chúng ta.

Quầng sáng xanh trên sao Hỏa lại là một hiện tượng hoàn toàn khác, nhưng cũng không phải là duy nhất trên sao Hỏa mới có. Sao Hỏa không có từ trường mạnh như Trái Đất nhưng vẫn có oxygen trong khí quyển. Các nguyên tử oxygen được tích điện nhờ ánh sáng Mặt Trời và khi chúng ngừng hoạt động, chúng phát ra ánh sáng xanh lá nhạt.

Các nhà thiên văn học đã quan sát được hiện tượng này xảy ra xung quanh Trái Đất và đối với sao Hỏa cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy vậy, điều này lại rất hữu ích để các nhà nghiên cứu có thêm thông tin về khí quyển của hành tinh Đỏ.

Tiến sĩ Manish Patel, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết quan sát độ cao của quầng sáng này giúp chúng ta biết được độ dày cũng như sự thay đổi của khí quyển sao Hỏa. Nếu tiếp tục quan sát hiện tượng này, chúng ta sẽ thấy sự thay đổi về độ cao của khí quyển ở đây khi nó bị nóng lên trong thời gian xảy ra các cơn bão bụi. Đây là một vấn đề chúng ta phải đối mặt khi hạ cánh xuống sao Hỏa bởi vì không thể biết chắc khí quyển ở đây dày bao nhiêu vào thời điểm chúng ta dự định hạ cánh lên bề mặt hành tinh này.

Biết được vị trí và độ dày của khí quyển là điều quan trọng khi chúng ta du hành đến một thế giới mới, bởi vì yếu tố này ảnh hưởng đến góc tiếp cận của một con tàu vũ trụ để tránh bị va đập dẫn đến hỏng hóc ngoài ý muốn hoặc không thể hạ cánh do bị trượt vào không gian. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ và các cơ quan vũ trụ khác đã có kế hoạch chắc chắn sẽ đưa con người lên sao Hỏa trong tương lai gần, vì thế thông tin này về khí quyển sao Hỏa vô cùng có giá trị.

Phạm Hường

Theo BGR