Xây dựng mới 2.000 TCVN cho sản phẩm hàng hóa chủ lực có khả thi?
(Dân trí) - Đến nay đã có trên 49% tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập.
“Mở mang sang lĩnh vực mới”
Báo cáo sơ kết giữa kỳ giai đoạn II của Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", ông Trần Đức Thắng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) ngày càng được hoàn thiện. Những năm qua, TCVN tăng cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ.
Thống kê cho thấy, vào các năm 2016 -2017, tổng số tiêu chuẩn quốc gia đã được xây dựng và công bố là khoảng 2.000 TCVN. Đến thời điểm này của năm 2018, đã có khoảng hơn 1.000 TCVN được xây dựng và công bố.
Về quy chuẩn quốc gia (QCVN), có khoảng 700 QCVN trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước. Các quy chuẩn này bắt buộc áp dụng cho an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.
Cùng với việc xây dựng mới, hệ thống TCVN, QCVN thường xuyên, định kỳ được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Các QCVN quản lý sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của Bộ quản lý chuyên ngành đã có những thay đổi rõ nét theo hướng thông thoáng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, loại bỏ rào cản kỹ thuật không cần thiết.
Đánh giá về mục tiêu xây dựng mới 2.000 TCVN và 60% TCVN của hệ thống hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, Phó Tổng cục trưởng TCĐLCL Nguyễn Nam Hải cho biết, năm 2016-2018, Bộ khoa học và Công nghệ và các Bộ ngành khác đã tổ chức xây dựng khoảng 3.000 TCVN. Đến nay, hệ thống TCVN có khoảng 10.500 TCVN với mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 49%.
“Mục tiêu xây dựng mới 2.000 TCVN cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực và các lĩnh vực liên quan, với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% là hoàn toàn khả thi”, ông Hải khẳng định.
Xã hội hóa xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn
Theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng TCĐLCL, hiện nay việc xây dựng tiêu chuẩn đang đè nặng lên vai nhà nước. Điều này đã tạo ra sự khó khăn không nhỏ khi nguồn ngân sách tập trung cho xây dựng TCVN, QCVN còn rất hạn chế.
“Vì sao nhà nước phải bỏ tiền ra làm tiêu chuẩn mà không phải doanh nghiệp, trong khi nhu cầu thực tiễn cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp đang đi trước, đón đầu và có rất nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau. Phải nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng tiêu chuẩn trong thời gian tới”, ông Hải cho biết.
Cùng quan điểm với ông Hải, bà Nguyễn Giang Thu - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường của Bộ NN&PTNN cho biết, hiện việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa có sự tham gia của các tổ chức xã hội.
“Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn thường chậm và không đảm bảo chất lượng là do cơ chế định mức dành cho công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa khuyến khích được các tổ chức khoa học công nghệ như các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia xây dựng”, bà Thu phân tích nguyên nhân.
Do đó, theo đề xuất của các nhà quản lý cần có quy trình xã hội hóa để thu hút thêm nguồn lực tài chính và nhân lực cho việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và một trong những giải pháp trọng tâm là giao việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các viện trường đại học, hiệp hội, hội, doanh nghiệp thay cho việc chỉ giao cho các đơn vị thuộc Bộ ngành như hiện nay.
Bộ KH&CN đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xác định lộ trình để ưu tiên tập trung xây dựng một số TCVN trong một số lĩnh vực chủ lực, chiến lược như: Đô thị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo.
Bảo Anh