Xâm nhập vào cơ thể côn trùng để tạo ra máy bay sinh học
(Dân trí) - Có thể rất nhiều người cho rằng cyborg (thiết bị nửa sinh học – nửa máy móc) chỉ tồn tại trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra cách biến đổi một con chuồn chuồn đang sống để có thể kiểm soát các hoạt động của nó.
Trong khi các quốc gia như Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dựa vào máy bay không ngườ lái để giám sát, thì thử thách để hạ cánh các máy bay này xuống một khu vực chật hẹp hay khó quan sát sẽ trở thành mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu quân sự.
Các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Charles Stark Draper (Mỹ) đã phát triển một phương pháp để sử dụng các con côn trùng sống giống như máy bay không người lái.
Nghiên cứu này được đặt tên là Mắt Chuồn chuồn (Dragonfly Eye), về cơ bản nó là một con chuồn chuồn cyborg – có nghĩa là một nửa là chuồn chuồn và một nửa là máy móc.
Nó được tạo ra bằng cách biến đổi gen của các con chuồn chuồn bình thường với “các tế bào thần kinh điều khiển” trong tủy sống của nó. Thông qua đó, các cấu trúc giống như sợi thị giác bé xíu trong mắt chuồn chuồn sẽ gửi các tia sáng tới não, cho phép các nhà khoa học kiểm soát nơi mà con côn trùng cần bay đến thông qua điều khiển từ xa.
Ở trên lưng của con chuồn chuồn là một thiết bị nhỏ xíu giống như một chiếc ba lô, trong đó có chứa các cảm biến và tấm pin năng lượng mặt trời để cấp điện cho hệ thống thu thập dữ liệu.
Hy vọng rằng, loại chuồn chuồn này sẽ có thể được định hướng và thu thập dữ liệu thông qua cảm biến ở những môi trường nguy hiểm đối với con người, hoặc những khu vực quá nhỏ mà con người không thể đi vào, chẳng hạn như các vết nứt trên tường.
Các chiến sĩ này là một bước đột phá lớn về công nghệ, trong khi đó, nhiều người có thể sẽ cảm thấy khó chịu về việc sử dụng phương pháp biến đổi gen để kiểm soát các loại côn trùng, hoặc có thể một ngày nào đó sẽ áp dụng với các loài cao cấp hơn.
Tuy nhiên, loại côn trùng nửa máy móc này có thế cũng sẽ rất có lợi trong việc tìm hiểu thế giới, và thậm chí là với cả con người. Một số người cho rằng, những công nghệ như thế này có thể giúp những người bị liệt khôi phục lại khả năng vận động.
Anh Thư (Theo Sputnik)