1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

WHO điều tra các báo cáo về tái nhiễm Covid-19

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết cơ quan này đang thực hiện điều tra các báo cáo về việc một số cá nhân đã có xét nghiệm dương tính trở lại với Covid-19 sau khi được chữa khỏi.

WHO điều tra các báo cáo về tái nhiễm Covid-19 - 1

"Những người có kết quả xét nghiệm âm tính bằng kỹ thuật PCR (Polymerase chain reaction - Phản ứng chuỗi polymerase) dương tính trở lại sau một vài ngày với Covid-19 là vấn đề đáng quan tâm. Chúng tôi đang có sự kết nối chặt chẽ với các chuyên gia nghiên cứu lâm sàng và nỗ lực để có thêm thông tin về những trường hợp riêng lẻ đặc biệt này”, Greta Isac, phát ngôn viên của WHO cho biết.

Nguyên nhân động thái mới nhất của WHO là bởi cách đây ít hôm, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc đã thông báo có tới 91 bệnh nhân được cho là đã bình phục song sau đó lại có kết quả dương tính với virus Corona mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Jeong Eun-kyeong đã thông báo rằng các chuyên gia y tế của quốc gia này đang bắt đầu tiến hành phân lập và nuôi cấy tế bào virus từ các cơ quan hô hấp của những người có kết quả dương tính trở lại với SARS-CoV-2 sau khi đã khỏi bệnh. Tính đến nay, Hàn Quốc có hơn 10.450 ca nhiễm Covid-19, trên 210 người tử vong và khoảng 7.000 người bình phục.

Thông thường, theo WHO sẽ phải mất khoảng hai tuần kể từ khi phát bệnh trước khi bệnh nhân hồi phục. Nhưng trước các thông tin hiện tại, cơ quan này cho biết cần thu thập các dữ liệu có hệ thống hơn về các bệnh nhân đã hồi phục trước khi có thể đưa ra bất kỳ kết luận nào về lý do tại sao một số người có dấu hiệu tái nhiễm với Covid-19.

Trước đó, Trung Quốc là quốc gia xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nhân đã chữa khỏi bệnh Covid-19 bị cho là tái nhiễm virus corona chủng mới.

Đơn cử ở Quảng Đông, 14% các bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xuất viện được cho đã bị tái nhiễm. Những vụ việc tương tự được phát hiện ở các khu vực khác tại Trung Quốc gồm Giang Tô và Tứ Xuyên.

Tuy nhiên, đầu tháng 3, chuyên gia virus học Jin Dong-yan từ Đại học Hong Kong đã bác bỏ lo ngại về những người bệnh trên có thể tái nhiễm. Ông này cho biết nguyên nhân có thể các xét nghiệm xác định bệnh nhân âm tính và cho xuất viện đã thực hiện chưa thực sự chuẩn xác.

Người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, bà Maria Van Kerkhove cũng đã từng bác bỏ những thông tin về việc có xảy ra các trường hợp bệnh nhân Trung Quốc bị tái nhiễm SARS-CoV-2 sau khi được điều trị khỏi.

Ngoài ra, tại Osaka, Nhật Bản cũng xác nhận một bệnh nhân là một nữ hướng dẫn viên du lịch 40 tuổi, từng dẫn một đoàn khách đến từ Vũ Hán đã bị tái nhiễm sau khi được cho xuất viện.

Trang Phạm

Theo Upi