1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Vùng nhiễm phóng xạ Chéc-nô-bưn bảo tồn cho loài sói xám sinh sôi nảy nở

(Dân trí) - Những con sói xám trong khu vực nhiễm phóng xạ xung quanh vùng thảm họa hạt nhân Chéc-nô-bưn ở U-crai-na hiện đang đi khỏi và tiến về các miền đất khác trên khắp thế giới. Điều đó làm tăng nguy cơ sẽ reo rắc gen đột biến của chúng đi rất rộng và xa.

Những bầy sói này đang ngày càng sinh sôi không phải do sức mạnh siêu phàm của việc đột biến mà bởi khu vực nhiễm phóng xạ hiện nay giống như một khu bảo tồn động vật hoang dã.

Vùng nhiễm phóng xạ Chéc-nô-bưn bảo tồn cho loài sói xám sinh sôi nảy nở - 1

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), vụ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Chéc-nô-bưn năm 1986 đã giải phóng lượng phóng xạ cao gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử thả xuống Hi-rô-si-ma, Nhật Bản.

Kể từ đó, không ai biết chắc được khu vực xung quanh Chéc-nô-bưn bị ô nhiễm đến mức nào, vì thế chính quyền đã tuyên bố khu vực cấm có đường kính 30 km quanh nơi xảy ra vụ nổ. Cho đến nay, người dân vẫn không được phép sinh sống trong phạm vi này, mặc dù khách du lịch đã có thể đến thăm quan.

Vô số các cuộc điều tra về hậu quả của vụ rò rỉ phóng xạ Chéc-nô-bưn đối với môi trường xung quanh khiến cho nhiều kết quả mâu thuẫn với nhau. Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng thiên nhiên hoang dã xung quanh bị ảnh hưởng, một số nghiên cứu khác lại tìm ra bằng chứng cho thấy thiên nhiên hoang dã lại phát triển mạnh hơn, nguyên nhân rất có thể là do vùng cấm đó không cho con người tiếp cận đã trở thành khu bảo tồn thiên nhiên không chính thức. Đây là nhận định của ông Michael Byrne, trưởng nhóm nghiên cứu, đồng thời là nhà sinh thái học thiên nhiên hoang dã của Trường đại học Missouri, bang Columbia, Mỹ.

Ông Byrne cho biết sói xám đặc biệt sinh sôi nảy nở nhiều trong vùng cấm đó, với mật độ số lượng cao gấp 7 lần so với các khu bảo tồn khác. Với mật độ số lượng cao như vậy, các nhà nghiên cứu dự đoán một số con sói sinh ra trong vùng đó sẽ đi khỏi và xâm nhập sang các vùng đất lân cận, bởi vì một diện tích chỉ có thể làm nơi trú ngụ cho một số lượng nhất định những con thú ăn thịt to lớn như vậy. Hiện nay, nhóm nghiên cứu của ông Byrne đã theo dấu được những con sói non đầu tiên rời khỏi vùng cấm.

Bằng cách đeo vòng cổ định vị toàn cầu (GPS) cho các con sói này, các nhà khoa học đã theo dấu được tổng cộng 14 con ở khu vực Bê-la-rút thuộc vùng cấm nói trên, trong đó có 13 con trên 2 năm tuổi và 1 con nhỏ chừng 1 - 2 năm tuổi. Trong khi sói trưởng thành ở lại trong vùng, thì sói non hay đi ra khỏi ranh giới khu vực đó. Sói non bắt đầu liên tục đi khỏi chừng 3 tháng sau khi các nhà khoa học theo dõi sự di chuyển của chúng. Trong vòng 21 ngày, những con sói đó đã đi xa khỏi vùng cấm đến 300 km.

Do có sự trục trặc của vòng cổ định vị GPS đeo cho sói, các nhà nghiên cứu không thể xác định sau đó chúng có quay trở về vùng cấm không hay tiếp tục đi xa hơn nữa và ở lại khu vực bên ngoài. "Dù sao thì cũng thật thú vị khi biết rằng một con sói đã đi xa đến thế" - ông Byrne nói - những phát hiện này là bằng chứng đầu tiên chứng minh cho việc đàn sói thực sự vượt ra khỏi khu vực cấm. Thay vì trở thành một hố đen sinh thái, thì vùng cấm Chéc-nô-bưn có thể thực sự là một nơi bảo tồn thiên nhiên hoang dã, và những phát hiện này có thể không chỉ đúng với loài sói mà hoàn toàn có thể giả định tương tự với những loài vật khác.

Một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu nêu ra là "liệu những loài vật sinh ra trong vùng cấm có đem theo những đột biến của chúng và phát tán ra ngoài khi chúng đi khỏi hay không, bởi vì nói đến Chéc-nô-bưn, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là sự đột biến". Tuy nhiên, chúng ta chưa có bằng chứng gì cho vấn đề đó. Đây sẽ là một nội dung nghiên cứu thú vị trong tương lai, nhưng không phải là điều gì đáng lo ngại cả.

Phạm Hường (Theo Live Science)