1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vụ nổ thảm khốc ở Beirut làm xáo trộn tầng điện li của Trái đất

Trang Phạm

(Dân trí) - Tháng 8/2020, cư dân gần cảng Beirut của Lebanon đã chứng kiến vụ nổ thảm khốc khiến nhiều người chết, hàng nghìn người bị thương và mất nhà cửa. Nhưng hậu quả của vụ nổ này vẫn chưa dừng ở đó.

Vụ nổ thảm khốc ở Beirut làm xáo trộn tầng điện li của Trái đất - 1

Mới đây nhất, các nhà khoa học đã tuyên bố vụ nổ thảm khốc ở Beirut còn khiến các tầng cao nhất của bầu khí quyển Trái đất rung chuyển.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ quốc gia của Ấn Độ, Rourkela và Đại học Hokkaido ở Nhật Bản đã tiến hành đo các nhiễu loạn điện trong tầng điện li và phát hiện ra vụ nổ có thể so sánh với tác động của nhiều vụ phun trào núi lửa.

Kosuke Heki, nhà khoa học Trái đất và hành tinh từ Đại học Hokkaido cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra vụ nổ đã tạo ra một làn sóng truyền trong tầng điện li theo hướng về phía nam với vận tốc khoảng 0,8 km/giây. Bắt đầu khoảng 50 km trên cao, và kéo dài thành hàng trăm km".

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu được gửi từ Hệ thống vệ tinh điều hướng toàn cầu (GNSS) vào ngày vụ nổ diễn ra để tính toán những thay đổi trong phân bố của các electron, từ đó chỉ ra sự hiện diện của sóng âm.

Đó là phương pháp mà các nhà khoa học đã sử dụng kể từ khi các mạng vệ tinh như vậy ra đời vào những năm 1990 để đo các gợn sóng quét qua phần trên của bầu khí quyển của chúng ta nhằm ghi nhận các dấu hiệu tinh vi của bất kỳ thứ gì từ núi lửa đến thử nghiệm hạt nhân.

Một trong những thử nghiệm đầu tiên sử dụng công nghệ vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) để đo các vụ nổ trên bề mặt diễn ra vào giữa những năm 1990, với việc các nhà khoa học tận dụng ba vụ nổ lớn dưới lòng đất tại một mỏ than ở Wyoming, Mỹ để nghiên cứu phản ứng của tầng điện li.

Việc tìm thấy dấu vết mờ nhạt của vụ nổ Beirut trong trường hợp này bên cạnh hậu quả thảm khốc còn có những vấn đề đáng được quan tâm khác đó là sự kiện xảy ra vào đầu buổi tối gần lúc Mặt trời lặn, các bất thường của tầng điện li được gọi là bong bóng plasma xích đạo có thể đã che hoàn toàn tín hiệu. Nhưng thực tế không có dấu hiệu nào của những bong bóng này vào thời điểm đó nên nó đã cho các nhà khoa học hình ảnh tương đối rõ ràng về vụ nổ thảm khốc.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh tác động của vụ nổ ở Beirut trên tầng điện li với những dữ liệu tương tự do một số vụ phun trào núi lửa gần đây ở Nhật Bản để lại. Họ thấy rằng nó ít nhiều có thể so sánh được. Trong trường hợp núi lửa Asama ở miền trung Nhật Bản phun trào vào năm 2004, vụ nổ Beirut có tác động mạnh hơn nhiều.

Mặc dù hơi yếu hơn một chút so với vụ nổ 1,5 kiloton được nghiên cứu cách đây hàng thập kỷ ở mỏ Wyoming, nhưng thực tế vụ nổ này tiếp xúc trên bề mặt Trái đất đã giúp nó có một con đường không bị cản trở lên bầu trời, với sự giải phóng năng lượng rõ ràng trong dữ liệu.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về các dấu hiệu âm thanh có thể được phát hiện bởi GNSS đang cung cấp cho các nhà khoa học và các cơ quan chức năng một phương tiện để theo dõi không chỉ các động thái địa chất của thế giới của chúng ta mà còn có thể liên quan đến các vấn đề xung đột chính trị bất thường.

Trước đó, ngày 4/8, khi thành phố Beirut vẫn đang yên bình và lặng lẽ do lệnh phong tỏa trước bối cảnh đại dịch Covid-19 thì tiếng nổ ví như một quả bom hạt nhân, một đám mây khói hình nấm xuất hiện tại khu cảng ở thủ đô Lebanon. Vụ nổ làm rung chuyển cả thành phố, khiến ít nhất 220 người thiệt mạng, 6.000 người bị thương và hàng trăm nghìn người khác mất nhà cửa. Vụ nổ còn làm rung chuyển những tòa nhà ở Cyprus cách đó 160km. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10-15 tỷ USD. Đây được coi là thảm họa nghiêm trọng nhất ở Lebanon trong vòng ba thập kỷ trở lại đây, kể từ cuộc nội chiến diễn ra từ năm 1975-1990.