Vụ nổ lớn chưa từng có trên Mặt Trăng
(Dân trí) - Một thiên thạch với sức nổ bằng với 10 tên lửa hành trình đã va vào Mặt Trăng và gây ra một vụ nổ lớn có thể quan sát bằng mắt thường.
Và thật đáng lo ngại khi vụ va chạm với tốc độ 90.123km/h được các nhà khoa học của NASA ghi lại đã làm nổi bật nguy cơ thiên tai nguy hiểm khi trái đất phải đối mặt với các thiên thạch tương tự do một tảng đá vũ trụ có trọng lượng chưa đến 40kg gây ra.
Mặc dù khối thiên thạch này rất nhỏ bé – chỉ bằng kích thước của một hòn đá nhỏ và trọng lượng của một cậu bé khoảng 10 tuổi – nhưng thiệt hại do vụ va chạm này cực kỳ lớn và ánh sáng phát ra từ vụ nổ tương đương với độ sáng của một ngôi sao cấp 4.
Một vụ va chạm tương tự vào một thành phố trên trái đất có thể sẽ tạo ra một miệng núi lửa sâu 20m và một vùng đất chết chóc rộng lớn tương đương với hậu quả như 10 tên lửa hành trình Tomahawk lao vào đó. Các chuyên gia lo ngại rằng số người chết sẽ lên tới hàng ngàn người.
Không giống như mặt trăng, Trái đất có bầu khí quyển bảo vệ, có nghĩa là phần lớn các mảnh vụn không gian này đều bị cháy trước khi rơi xuống. Tuy nhiên, các thiên thạch lớn hơn đôi khi cũng vượt qua được – mới đây nhất là ở Chelyabinsk, Nga với một thiên thạch 20m có tốc độ 69.201 km/h đã xuyên qua bầu khí quyển và phát nổ với sức mạnh của 33 quả bom thả xuống Hiroshimas.
May mắn thay, vì tốc độ và góc nghiêng mà tảng đá này đã phát nổ khi vẫn còn ở trên không trung, tuy nhiên vụ nổ vẫn khiến cho 7.200 tòa nhà đã bị hư hỏng và 1.500 người bị thương nặng.
Phát ngôn viên của trang khoa học Science.com cho biết “trong tám năm qua, NASA đã luôn theo dõi mặt trăng để có thể phát hiện dấu hiệu của các vụ nổ do thiên thạch gây ra. Họ vừa mới quan sát được vụ nổ lớn nhất trong lịch sử thực hiện chương trình này. Nó phát nổ với độ sáng gấp 10 lần những gì chúng ta từng thấy. Bất kỳ ai nhìn lên mặt trăng vào thời điểm va chạm cũng có thể nhìn quan sát vụ nổ mà không cần đến kính viễn vọng”.
Thiên thạch Chelyabinsk là vật thể tự nhiên lớn nhất đã từng lao qua bầu khí quyển của Trái đất sau thiên thạch Tunguska năm 1908, thiên thạch Tunguska đã phá hủy một cánh rừng rộng lớn và hẻo lánh với dân cư sinh sống thưa thớt ở Siberia.
NASA rất lo ngại về nguy cơ sẽ có một tiểu hành tinh lao đến và kết thúc toàn bộ sự sống trên Trái đất, hiện NASA đã khởi động giai đoạn thiết kế đầu tiên của phi thuyền Double Asteroid Redirection Test (DART) dùng để chuyển hướng đường đi của một tiểu hành tinh.
NASA đang hợp tác với cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) về phi thuyền này, và hy vọng rằng các bước thử nghiệm trong vũ trụ đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2022 - ở đó, nó sẽ cố gắng để chuyển hướng một tiểu hành tinh “không có tính đe dọa”.
Nhà khoa học Lindley Johnson – nhân viên phòng vệ hành tinh công tác tại Trụ sở của NASA ở Washington - cho biết: “DART có thể sẽ là nhiệm vụ đầu tiên của NASA để chứng minh về kỹ thuật tác động học – lao vào một tiểu hành tinh để làm chuyển hướng quỹ đạo của nó – nhằm phòng vệ chống lại tác động của tiểu hành tinh trong tương lai. Bước đầu tiên đã được phê duyệt này giúp thúc đẩy dự án hướng đến cuộc thử nghiệm lịch sử với một tiểu hành tinh không có tính đe dọa”.
Mục tiêu của cuộc thử nghiệm này là một hệ tiểu hành tinh tên là Didymos. Didymos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “sinh đôi” – đây là một hệ tiểu hành tinh nhị phân gồm có một tiểu hành tinh là Didymos A và một tiểu hành tinh Didymos B nhỏ hơn. Vào tháng 10 năm 2022, khi Didymos tiến gần đến Trái Đất, NASA sẽ phóng một phi thuyền với kích thước tương đương một chiếc tủ lạnh về phía hai tiểu hành tinh này và đích nhắm là Didymos B. Phi thuyền DART sẽ di chuyển với một tốc độ đáng kinh ngạc là 6 m/s khi va chạm với Didymos b.
Anh Thư (Tổng hợp)