1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Virus Ebola có thể ẩn náu nhiều năm bên trong cơ thể con người

Trang Phạm

(Dân trí) - Đợt bùng phát Ebola mới ở Guinea được các nhà nghiên cứu cho rằng đó là bằng chứng cho thấy virus có thể có khả năng ẩn náu rất kỹ nhiều năm bên trong cơ thể con người trước khi bùng phát trở lại.

Virus Ebola có thể ẩn náu nhiều năm bên trong cơ thể con người - 1

Vào thời điểm này tháng trước, các nhà chức trách quốc gia ở quốc gia Châu Phi Guinea tuyên bố họ đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch Ebola sâu trong vùng nông thôn phía nam Nzérékoré của nước này.

Với đợt bùng phát hiện có 14 trường hợp được xác nhận và 4 trường hợp nghi ngờ, Tổ chức Y tế Thế giới đang áp dụng một loạt các biện pháp bảo vệ và truy tìm để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Những nghi ngờ về nguồn bùng phát cho đến nay tập trung vào một y tá 51 tuổi qua đời vào cuối tháng 1, đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ cả cơ sở y tế địa phương và một thầy lang sau một cơn sốt cao, nôn mửa, suy nhược kèm theo bệnh tiêu chảy.

Sau lần đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh thương hàn và sau đó là bệnh sốt rét, mới đây các chuyên gia phỏng đoán có vẻ như căn bệnh của cô là do virus Zaire ebolavirus gây ra, một mầm bệnh chết người đến mức ít nhất 5 trường hợp trong đợt bùng phát gần đây nhất đã không chống chọi được với tác động của nó.

Tuy nhiên, hậu quả của sự lây lan không được điều chỉnh của virus có thể còn tồi tệ hơn nhiều. Từ cuối năm 2013 đến năm 2016, mầm bệnh đã hoành hành khắp các quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone trong một đợt bùng phát khiến khoảng 40% trong số 28.610 người bị nhiễm bệnh tử vong.

Các đợt bùng phát nhỏ hơn đã phát sinh kể từ Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng các nhà nghiên cứu hiện có lý do để nghi ngờ rằng đợt bùng phát gần đây nhất này có liên quan đến việc virus có thể đã ẩn náu ở Guinea trong 5 năm qua hoặc hơn.

Một phân tích bộ gene của các mẫu virus lấy từ bốn bệnh nhân được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Bệnh truyền nhiễm của Guinea (CERFIG) cùng Phòng thí nghiệm Sốt xuất huyết Quốc gia, cho thấy chúng thuộc chủng Makona độc lực cao của dịch bệnh Tây Phi.

Kết luận này được hỗ trợ với một phân tích thứ hai trên ba mẫu được thực hiện bởi phòng thí nghiệm tham chiếu của WHO tại Viện Pasteur Senegal, so sánh gene của những mẫu virus gần đây nhất với 1.063 bộ gen từ đợt bùng phát ở Tây Phi 2013-2016.

Các kết quả cho thấy một thông tin gây sốc, chồng của nữ y tá có thể chính là người đã âm thầm lưu giữ virus trong cơ thể anh ta nhiều năm.

Về cơ bản phải mất khoảng một tuần hoặc lâu hơn để Zaire ebolavirus bắt đầu gây ra các vấn đề trong cơ thể con người, mở đầu bằng việc nhắm mục tiêu vào nhiều loại tế bào miễn dịch để mở đường cho sự lây lan nhanh chóng.

Đại thực bào cuối cùng bắt kịp với cuộc tấn công dữ dội, nuốt chửng các tế bào trong cuộc chiến toàn lực. Hậu quả dẫn đến các mao mạch bị rò rỉ và các cục máu đông lắng đọng trong các mạch máu, khiến toàn bộ hệ thống cơ quan trong cơ thể có nguy cơ bị sụp đổ. Các chất tiết ra từ cơ thể bị nhiễm bệnh có thể dễ dàng truyền virus nhất.

Có những dấu hiệu cho thấy virus có thể tồn tại bên trong cơ thể lâu hơn, với RNA của nó có thể được phát hiện trong nước tiểu sau một tháng, mồ hôi sau khoảng 40 ngày và trong tinh dịch hơn một năm.

Các phần tử virus được phân tích trong đợt bùng phát mới này có rất nhiều điểm chung với dịch bệnh ở Tây Phi.

Kết quả này cũng thách thức những suy nghĩ về việc những đợt bùng phát như vậy có thể bắt đầu như thế nào và cách truyền đạt hiệu quả các biện pháp bảo vệ sự an toàn và sức khỏe trong các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Các nạn nhân của Ebola đã phải đối mặt với sự kỳ thị nặng nề ở nhiều nền văn hóa châu Phi, không chỉ từ những người khác trong cộng đồng mà còn ở ấn tượng của chính người bệnh về giá trị bản thân.