Virus corona: Máy thở hoạt động như thế nào?
(Dân trí) - Bệnh nhân Covid-19 nặng cần được hô hấp nhân tạo. Nhưng trên thế giới hiện đang thiếu thiết bị này.
Covid-19 chủ yếu gây hại cho đường hô hấp dưới của người bệnh. Khoảng 20% các ca bệnh hiện nay là bị virus corona mới xâm nhập sâu vào phổi khiến cho tình trạng bệnh nhanh chóng trở nên nguy cấp và các ca nặng nhất cần ngay lập tức được sử dụng máy thở trong phòng điều trị tích cực.
Nhưng ngay cả ở những nước có công nghệ cao như Ý và Tây Ban Nha, hiện nay vẫn có quá ít giường bệnh chăm sóc tích cực được trang bị máy thở, cho nên các bác sĩ đang ngày càng phải ra nhiều quyết định không đáng có trong việc lựa chọn điều trị cho bệnh nhân nào và không điều trị cho bệnh nhân nào.
Ai cần sử dụng máy thở và vì sao?
Hô hấp nhân tạo có thể cứu sống con người vì nếu một người ngưng thở, các bộ phận trong cơ thể không được cung cấp oxygen nữa. Đồng thời, carbon dioxide thải ra trong quá trình thở không được phổi đẩy ra khỏi cơ thể.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi ngưng thở, tim cũng sẽ ngừng đập và tuần hoàn máu dừng lại và bệnh nhân sẽ chết trong vòng vài phút.
Máy thở hoạt động như thế nào?
Nói một cách đơn giản, máy thở đẩy không khí có chứa oxygen vào phổi với áp suất dương để thay thế dịch trong các túi phổi, túi phổi là nơi diễn ra trao đổi oxygen và carbon dioxide cho máu.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế đây là một phương pháp điều trị phức tạp đòi hỏi công nghệ cao. Đó là vì các máy thở hiện đại có khả năng điều chỉnh theo nhu cầu của từng bệnh nhân.
Đối với thông khí kiểm soát áp lực (PCV), máy thở tạo ra một áp suất nhất định trong đường thở và phế nang để người bệnh có thể nhận được càng nhiều oxygen càng tốt. Ngay sau khi đủ áp suất, quá trình thở ra sẽ bắt đầu.
Bệnh nhân cần chú ý gì trong quá trình hô hấp nhân tạo?
Trong thông khí không xâm nhập, không khí đi qua miệng và mũi bệnh nhân nhờ sự trợ giúp của mặt nạ thông khí áp chặt và kín khít. Trong thông khí có xâm nhập (đặt ống khí quản), ống thở được luồn qua miệng hoặc mũi xuống khí quản. Trong trường hợp phải mở khí quản, thì điểm tiếp xúc trực tiếp với khí quản là qua một lỗ nhỏ ở họng.
Bệnh nhân sử dụng máy thở sẽ không thể ăn hoặc nói, và được cho ăn qua một ống xông. Thông khí có xâm nhập gây cảm giác rất khó chịu nên bệnh nhân thường được gây mê trong suốt thời gian điều trị.
Vì sao lại có quá ít máy thở?
Trong đợt khủng hoảng do virus corona gây ra, nhu cầu về máy thở tăng cao đột ngột vì các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều nước không được chuẩn bị để cùng một lúc hỗ trợ cho quá nhiều người bệnh như hiện nay.
Các máy thở hiện đại như vậy có giá khoảng 55.840 đô-la Mỹ và không thể dễ dàng mua được trong một thời gian ngắn. Chỉ có một vài nhà sản xuất cung cấp các máy thở này hay còn gọi là thiết bị ECMO, nó hoạt động giống như một lá phổi nhân tạo để cung cấp oxygen cho máu.
Mặc dù các nhà sản xuất đã tăng công suất tối đa nhưng đầu ra vẫn như một nút thắt cổ chai do thiếu phụ kiện tiêu hao như là ống thở và ống thông dò.
Ngoài thiếu máy thở, các ca Covid-19 nặng cũng có nguy cơ không được chăm sóc tốt nếu thiếu cán bộ y tế có chuyên môn, ví dụ như do họ bị ốm hoặc do phong tỏa đi lại, mà chỉ có cán bộ có chuyên môn cao mới có thể vận hành các thiết bị phức tạp như vậy.
Số lượng máy thở ở một số nước trên thế giới
Ở Đức, tính trung bình cứ 100.000 người dân thì có 33,7 máy. Hà Lan năm 2018 chỉ có 7,1 máy/ 100.000 dân. Ở Nga hiện nay là 27,3 máy, Mỹ là 18,8 máy, Anh là 12,9, Ý là 8,3 trên 100.000 dân. Nhưng hiện nay tất cả cả nước đều cố gắng để tăng số lượng giường bệnh điều trị tích cực có máy thở để phục vụ người bệnh.
Phạm Hường
Tổng hợp