Viên chống nắng: Quảng cáo cao siêu, tác dụng không nhiều!

(Dân trí) - Ánh nắng là sức sống, cung cấp sức nóng, năng lượng cho vạn vật trên hành tinh. Nhưng trong ánh nắng cao mùa hè còn chứa các tia tử ngoại có tác động xấu lên da, mắt có thể gây tổn thương cấp tính và lâu dài sẽ làm lão hóa, ung thư da... Do đó, ra nắng bắt buộc có công cụ bảo vệ cơ thể, thường là các biện pháp cơ học kinh điển và bôi kem chống nắng.

Gần đây, khá nhiều viên uống chống nắng được tiếp thị “có cánh”: tác dụng toàn diện, rất tiện nghi, bảo quản và sử dụng dễ dàng…

Viên chống nắng: Quảng cáo cao siêu, tác dụng không nhiều! - 1

Tác hại của tia tử ngoại trong ánh nắng

Ngoài dãy quang phổ bảy màu thấy được, trong ánh nắng còn có những tia cực tím A, B và C. Tia cực tím (tử ngoại, ultraviolet, UV) là tia có bước sóng thấp nhất trong bảy sắc cầu vồng: UV-A bước sóng 315 – 380 nm, có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa, ung thư da. Tia UV-B bước sóng 280 – 315 nm, gây say nắng, tổn thương đen da. Tia UV-C có bước sóng 100 – 280 nm, thường bị tầng ô-zôn chặn tia UV-C lại được.

Do đó, người thường xuyên tiếp xúc ánh nắng, đặc biệt giữa trưa hè khi ánh nắng có chỉ số cực tím cao, sẽ có nhiều nguy cơ sức khỏe: trước mắt là bỏng nắng, viêm da ánh sáng, về lâu dài sẽ gây đục thủy tinh thể, ức chế miễn dịch, tổn thương DNA, gây lão hóa, ung thư da….

Viên chống nắng: Quảng cáo cao siêu, tác dụng không nhiều! - 2
Viên chống nắng: Quảng cáo cao siêu, tác dụng không nhiều! - 3

Ba cách tránh nắng cơ bản

* Tránh tiếp xúc ánh nắng

Là phương cách vật lý đơn giản nhất nhằm hạn chế thời gian nắng tiếp xúc da, như: Làm việc trong bóng râm, Hạn chế ra nắng hè, đặc biệt ban trưa khi tia cực tím sẽ có cường độ mạnh nhất;

* Trang phục che nắng

Là cách dùng các dụng cụ cơ học để che chắn không cho tia từ ngoại trong ánh nắng tiếp xúc da, tóc, mắt …. Trong chúng ta, ai ai cũng biết và đã thường vận dụng: Mang kiếng râm, Đội mũ rộng vành, Khoác áo choàng, Mặc quần áo dày, Bịt khăn theo cách dân du mục qua sa mạc.

Viên chống nắng: Quảng cáo cao siêu, tác dụng không nhiều! - 4

Trang bị “cơ bản” để chống nắng Ảnh Trần Bá Thoại

* Kem chống nắng

Có hai cách tác dụng vật lý và hóa học nhằm để “che chắn nắng" (sunscreen) và "phản chiếu nắng" (sunblock).

Viên chống nắng: Quảng cáo cao siêu, tác dụng không nhiều! - 5

Để đánh gia khả năng chận tia tử ngoại, bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của tia tử ngoại trong ánh nắng của các loại kem chống nắng, các nhà khoa học đưa ra “thước đo” là yếu tố chặn tia tử ngoại UPS (Ultraviolet Protection Factor) hay SPF (Sun Protect Factor). Kem chống nắng tốt phải có UPS từ 30+ trở lên. và với trị số 50+ thì gần như 98% tia UV bị chặn lại.

Viên chống nắng: Quảng cáo cao siêu, tác dụng không nhiều! - 6

Viên chống nắng: thực phẩm chức năng!

Từ xa xưa, thảo mộc đã được sử dụng làm thuốc và mỹ phẩm cho nhiều bệnh da liễu khác nhau.

Với thành phần có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, flavonoid, axit phenolic, các polyphenol…chiết xuất từ cây dương xỉ (Polypodium Leucotomos), các loại sữa hạt, trà xanh, nghệ, lô hội, hạt nho đỏ, bông cải xanh, cacao, lựu, cà chua, được tăng cường thêm các vitamin A, D, C, E, B2 và khoáng chất như selenium, canxi, kẽm, hỗn hợp dưỡng chất này có giúp tăng cường khả năng hạn chế ban đỏ da, giảm cháy nắng, giảm stress oxy-hóa, chống lão hóa da, sửa chữa các phân tử DNA tổn thương do tia cực tím gây ra.

Nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc cho thấy các chiết xuất từ trà xanh, lô hội, dầu mè, dương xỉ (polypodium leucotomos), rong biển (algae)…đắp tại chỗ hay dùng đường uống đều có tác dụng tốt giúp da tránh tổn thương do tia cực tím trong ánh nắng.

Thay lời kết

Theo phân tích khoa học, viên uống chống nắng vốn chứa các chiết xuất thảo mộc nêu trên, thực chất chỉ là một thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị chứ không phải là viên thuốc đúng nghĩa.

Theo Tiến sĩ Lim, Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology), các viên uống chống nắng chứa chiết xuất cây dương xỉ chỉ có chỉ số chống nắng SPF từ 3-5, quá nhỏ so với chuẩn yêu cầu phải từ 30+ trở lên, và việc phối hợp nhiều chất chống oxy-hóa trong cùng viên thuốc chưa có những nghiên cứu khoa học rõ ràng cũng như chưa được các cơ quan quản lý dược và thực phẩm phê chuẩn, cho phép sử dụng trên thị trường.

Mới đây, Cơ quan Kiểm soát Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA đã kêu gọi chấm dứt việc lưu hành các thực phẩm chức năng ngừa cháy nắng như Skin Brightening Formula, Sunsafe Rx, Solaricare và Sunergetic, với khẳng định của Tiến sĩ Scott Gottlieb: "Các viên uống chống nắng không mang lại lợi ích như quảng cáo. Thay vào đó, nó làm người tiêu dùng hiểu lầm và gặp rủi ro", và ông cũng khẳng định "Không có viên thuốc hoặc viên nang có thể thay thế kem chống nắng".

Viên chống nắng: Quảng cáo cao siêu, tác dụng không nhiều! - 7

Tóm lại, viên uống chống nắng thực chất là thực phẩm chức năng vốn hiện diện trong các thực phẩm thông thường, và chỉ hỗ trợ chứ không phải là thuốc điều trị chống tia tử ngoại nguy hiểm trong nắng. Cần theo lời khuyên y tế chính thống: Ra nắng cần bôi kem và mang mặc các trang phục chắn, che đúng chuẩn. Nếu có điều kiện, có thể dùng viên uống chống nắng thêm.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam