Vì sao ngày càng có nhiều trẻ sinh đôi ra đời?
(Dân trí) - Tỷ lệ sinh đôi trên toàn thế giới đã tăng hơn 30%, từ 9 trường hợp sinh đôi/ 1.000 ca sinh nở trong thời gian 1980 - 1985 lên 12 trường hợp/ 1.000 ca trong thời gian 2010 - 2015.
Hơn thế nữa, con số tuyệt đối của các ca sinh đôi tăng 42% trong giai đoạn này, từ 1,1 triệu ca vào đầu những năm 1980 lên 1,6 triệu ca vào đầu những năm 2010. So sánh cho thấy tổng số ca sinh đẻ trên toàn thế giới chỉ tăng 8% trong cùng thời kỳ.
Một trong những nguyên nhân có thể là do các biện pháp hỗ trợ sinh sản, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Phương pháp này làm tăng cơ hội sinh đôi nếu người mẹ được cấy hơn 1 phôi thai vào tử cung.
Tuy nhiên, một số nơi trên thế giới có thể đã đạt đến thời điểm có nhiều ca sinh đôi nhất, vì các chuyên gia bắt đầu giảm số lượng phôi thai cấy vào cơ thể người mẹ sau khi thực hiện IVF.
Đồng tác giả của nghiên cứu này, Giáo sư Christiaan Moden của Trường đại học Oxford, Anh, cho biết: Những con số tương đối và tuyệt đối của các ca sinh đôi trên thế giới hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ giữa thế kỷ XX và có lẽ là cao nhất mọi thời đại. Hiểu về vấn đề này là việc rất quan trọng vì các ca sinh đôi liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và nhiều nguy cơ biến chứng hơn đối với các bà mẹ và trẻ nhỏ trong quá trình mang thai, trong và sau thời điểm sinh nở.
Ngày càng có nhiều phụ nữ sinh con ở độ tuổi muộn hơn, điều này cũng góp phần làm tăng tỷ lệ sinh đôi, vì phụ nữ nhiều tuổi hơn dễ thụ thai sinh đôi hơn.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích thông tin về các ca sinh đôi ở 165 nước trong thời gian 2010 - 2015. Trong số đó, 112 nước có cả thông tin cho giai đoạn 1980 - 1985. Nhờ đó các nhà nghiên cứu có thể so sánh khá thuận lợi. Kết quả cho thấy trong 30 năm qua, tỷ lệ sinh đôi tăng hơn 10% ở 74 trong số 112 nước đó.
Nguyên nhân tăng chủ yếu do tăng số ca sinh đôi từ hai hợp tử (sinh đôi khác trứng); còn tỷ lệ sinh đôi từ một hợp tử (sinh đôi cùng trứng) thì vẫn giữ nguyên trên toàn thế giới, với khoảng 4 trường hợp/ 1.000 ca sinh.
Tính riêng từng châu lục thì Bắc Mỹ có mức tăng cao nhất với con số 71% trong 3 thập kỷ qua. Đứng thứ hai là châu Âu - 58%, và châu Đại Dương - 46%.
Nhưng xét về tỷ lệ thì châu Phi là nơi có tỷ lệ sinh đôi tăng cao nhất thế giới, 17 trường hợp/ 1.000 ca sinh. Tuy vậy, tỷ lệ này gần như không thay đổi trong suốt 3 thập kỷ qua. Vì vậy các nhà nghiên cứu nhận định một bộ phận người dân châu Phi có gene dễ sinh đôi hơn so với toàn bộ dân số còn lại trên thế giới.
"Trong cả hai giai đoạn có số liệu nghiên cứu, châu Phi đều có tỷ lệ sinh đôi cao nhất và cũng không có sự gia tăng theo thời gian, còn châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương thì tăng lên rất nhanh", giáo sư Monden cho biết.
Nhưng điều đáng nói là cơ hội sống của các bé sinh đôi ở các nước giàu có rất khác so với các bé này ở các nước nghèo.
"Trẻ sinh đôi ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình cần được chú ý nhiều hơn. Cụ thể như ở châu Phi cận Sahara, nhiều cặp song sinh chỉ còn một bé sống được trong năm đầu đời, tức là mỗi năm có 200 đến 300 trẻ sinh đôi mất đi" - đồng tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Jeroen Smits của Trường đại học Radboud, Hà Lan, cho biết.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi các nước tập hợp và lưu trữ số liệu tốt hơn về các trường hợp sinh đôi, cụ thể là ở những nước nghèo, bởi vì thiếu số liệu sẽ hạn chế tính chính xác của kết quả nghiên cứu. Theo họ, cần có thêm nghiên cứu sâu để xác định xem tỷ lệ sinh đôi đã thực sự đạt đỉnh điểm ở các nước có thu nhập cao hay chưa và các phương pháp hỗ trợ sinh sản ở các nước thu nhập thấp và trung bình ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ sinh đôi.
Nghiên cứu này vừa được công bố ngày 11/3/2021 trên tạp chí Human Reproduction của Trường đại học Oxford, Anh.