Vì sao một số loài sống sót sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt?

(Dân trí) - Mới đây, các nhà nghiên cứu đang tìm cách làm rõ làm thế nào một số loài chịu được sự căng thẳng đáng kinh ngạc mà chúng trải qua trong thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trên Trái Đất.

Sự tuyệt chủng hàng loạt đã xảy ra cách đây 252 triệu năm giữa kỷ Permi và Trias và về mặt nào đó cũng tương tự như những gì xảy ra hiện tại.

Vì sao một số loài sống sót sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt? - 1
Các nhà khoa học đang tìm cách lý giải vì sao một số loài động vật có thể tồn tại sau sự kiện Đại tuyệt chủng.

Nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh, giảm oxy và axit hóa các đại dương đã giết chết 96% tất cả các sinh vật biển và 70% của tất cả các động vật có xương sống trên cạn.

Tuy nhiên, một số khu vực nhất định cho thấy sự phục hồi nhanh hơn những khu vực khác và các nhà nghiên cứu quan tâm đến việc tìm hiểu lý do tại sao.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra hóa thạch của các động vật không xương sống sống ở đại dương như nghêu, ốc, san hô và bọt biển.

Theo báo cáo trên tạp chí Biology Letters, các nhà nghiên cứu đã chứng kiến ​​sự thay đổi liên tục về đặc điểm giữa các loài đã chết trong sự kiện tuyệt chủng và các loài phát sinh sau đó.

Nhưng một điểm khác biệt đáng chú ý là các loài sau này to hơn và hoạt động nhiều hơn các loài cũ. Các cơ chế phòng thủ tốt hơn đối với con mồi và nhanh nhẹn hơn đối với các loài động vật săn mồi.

"Chúng tôi quan tâm đến việc tìm hiểu tại sao một số loài và cộng đồng nhất định sống sót và hồi phục tốt hơn những loài khác”, tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Ashley Dineen, đến từ Bảo tàng Cổ sinh vật học của Đại học California, cho biết.

Nhóm nghiên cứu hiện đang quan tâm đến việc tìm ra loài nào có khả năng tốt nhất để phục hồi sau những thay đổi khí hậu mạnh mẽ. Họ muốn xem liệu một số yếu tố gây căng thẳng nhất định có tác động đến mọi sinh vật trong hệ sinh thái cụ thể như nhau hoặc nếu một số loài có lợi thế ngay từ đầu. Điều này có thể cung cấp cho các nhà khoa học những thông tin rất quan trọng về cách tốt nhất để cứu một số môi trường sống tự nhiên.

"Chúng tôi thường tập trung vào việc ước tính số lượng loài trong một hệ sinh thái, nhưng chúng tôi cũng tìm hiểu cách những loài này sống sót và tập trung nỗ lực để tồn tại," Dineen nói.

Trong sự kiện Đại tuyệt chủng, núi lửa được cho là đã bơm một lượng lớn khí nhà kính vào khí quyển. Nó đã giải phóng CO2 với tốc độ tương tự như khí thải do con người tạo ra ngày nay, nhưng trong khoảng thời gian 10.000 năm.

Khôi Nguyên (Theo IFL Science)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm