Vì sao không phải loài linh trưởng nào cũng tiến hóa thành người?
(Dân trí) - Trong khi loài người chúng ta di cư khắp thế giới, biết trồng trọt và du hành lên tận mặt trăng thì loài tinh tinh – là loài có đặc điểm sinh học giống với chúng ta nhất – lại vẫn sống trên cây, ăn quả dại và săn đuổi các loài khỉ.
Loài tinh tinh hiện đại đã xuất hiện còn trước cả loài người hiện đại (tức là vào khoảng gần 1 triệu năm trước, so với sự xuất hiện của vượn người mới chỉ 300 nghìn năm), nhưng loài người có cách tiến hóa riêng. Nếu chúng ta coi tinh tinh là anh em họ thì tổ tiên chung của 2 loài chỉ có mỗi hai loài này là hậu duệ.
Vậy tại sao chỉ có 1 nhánh hậu duệ của tổ tiên chúng ta tiến hóa vượt trội hơn hẳn nhánh kia?
Theo bà Briana Pobiner, nhà cổ nhân chủng học của Viện Smithsonian ở Washington, Mỹ, thì lý do khiến cho các loài linh trưởng khác không tiến hóa thành người là do cuộc sống của chúng thuận lợi. Tất cả các loài linh trưởng còn tồn tại hiện nay, trong đó có khỉ đột vùng núi Uganda, khỉ rú ở châu Mỹ và vượn cáo Madagascar, đều cho thấy chúng có khả năng sống tốt trong môi trường sống tự nhiên của mình.
Theo giáo sư nhân chủng học Lynne Isbell của Trường đại học California, Mỹ, thì vấn đề nằm ở chỗ các sinh vật có thích nghi tốt với môi trường sống hay không. Theo cách nhìn nhận của các nhà khoa học nghiên cứu về tiến hóa thì loài người không “tiến hóa” hơn các loài linh trưởng khác, và chúng ta không phải là kẻ chiến thắng trong cái gọi là cuộc đua tiến hóa. Cho dù khả năng thích ứng cao đã giúp cho con người tác động đến môi trường để đáp ứng nhu cầu của mình, thì khả năng đó vẫn chưa đủ để đưa con người đến nấc cao nhất của chiếc thang tiến hóa.
Bà Isbell lấy ví dụ là loài kiến. Loài kiến thành công hơn chúng ta nhiều, số lượng các cá thể kiến trên thế giới cao hơn số lượng người nhiều lần và chúng thích nghi cực kì tốt với môi trường sống. Mặc dù kiến không phát minh ra chữ viết, nhưng chúng đã biết làm nông nghiệp từ rất lâu trước khi xuất hiện loài người, và chúng vẫn là những côn trùng cực kì thành công, chỉ là chúng không xuất sắc ở những thứ mà con người quan tâm, những thứ mà con người tình cờ lại giỏi hơn loài kiến.
“Chúng ta cho rằng người phù hợp nhất, thích nghi tốt nhất là người khỏe nhất và nhanh nhất, nhưng tất cả những gì chúng ta cần làm để chiến thắng trong cuộc đua tiến hóa là sống sót và tiếp tục sinh sôi”, bà Pobiner nói.
Nhánh hậu duệ tinh tinh của tổ tiên chúng ta cũng là một ví dụ điển hình. Chúng ta không có đầy đủ chứng cứ hóa thạch về loài người và loài tinh tinh, nhưng các nhà khoa học đã kết hợp các bằng chứng hóa thạch với các bằng chứng gene và hành vi của những con tinh tinh còn sống để biết được về những loài đã tuyệt chủng, những loài này có hậu duệ đã tiến hóa thành tinh tinh và con người.
Lucy là vượn người phương Nam, thuộc một trong số những loài người cổ đại được biết đến nhiều nhất, chúng sống vào thời kì khoảng 3,85 triệu đến 2,95 triệu năm trước (nguồn: Field Museum)
Không còn gì của loài sinh vật cổ đại này, nhưng các nhà khoa học cho rằng chúng trông giống tinh tinh hơn là người, và rất có thể chúng đã dành phần lớn cuộc đời sống trong những tán cây rừng đủ lâu để biết cách di chuyển từ cây này sang cây khác mà không cần phải chạm xuống đất.
Cũng theo các nhà khoa học thì người cổ đại bắt đầu khác với tinh tinh khi người cổ đại bắt đầu chuyển xuống sống dưới đất nhiều hơn. Có thể lí do là tổ tiên của chúng ta xuống đất để tìm kiếm thức ăn và đã phát hiện ra nơi ở mới. Chúng vừa giỏi leo trèo trên cây vừa biết đi dưới đất. Và khoảng 3 triệu năm trước, đôi chân của chúng ta bắt đầu dài ra, các ngón chân quay về cùng một hướng phía trước để có thể đi bộ được tốt hơn. Sự lựa chọn môi trường sống khác nhau có thể là sự thay đổi tiến bộ đầu tiên về hành vi của tổ tiên chúng ta. Biết đi hai chân khiến cho tổ tiên chúng ta đến được những nơi ở mới không có tán cây hay hang hốc kín, họ phải đi dưới đất nhiều hơn, những nơi mà cây cối thưa thớt hơn.
Cuối cùng là lịch sử tiến hóa loài người. Không thể vì tinh tinh sống trên cây mà nói rằng chúng không tiến hóa. Theo một phân tích gene đã công bố năm 2010, tổ tiên của tinh tinh đã tách khỏi loài tinh tinh lùn cổ đại khoảng 930 nghìn năm trước và tổ tiên của ba loài phụ đã phân chia vào khoảng 460 nghìn năm trước. Các loài tinh tinh ở trung và đông Phi chỉ tuyệt chủng khoảng 93 nghìn năm trước.
Nhà cổ nhân chủng học Pobiner nhận xét “rõ ràng là chúng sinh sống rất ổn, chúng vẫn tồn tại và chừng nào chúng ta chưa phá hoại môi trường sống của chúng thì chúng vẫn còn tiếp tục sống trong tương lai.”
Phạm Hường
Theo Live Science