Vì sao hàng triệu xác ướp chim xuất hiện trong các lăng mộ của Ai Cập?

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã nghiên cứu đồng vị xác ướp từ chim và kết luận, người Ai Cập cổ đại đánh bắt một lượng lớn những con cò ruồi hoang dã và mang hiến tế cho các vị thần.

Vì sao hàng triệu xác ướp chim xuất hiện trong các lăng mộ của Ai Cập? - 1

Trong các ngôi mộ của Thung lũng sông Nile, các nhà khảo cổ học tìm thấy hàng triệu xác ướp chim, chủ yếu là cò ruồi (ibis). Người ta tin rằng những con chim đã được hiến tế cho các vị thần có đầu là ibis - Horus, Ra và Thoth. Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn chưa biết rõ, đây là những con chim hoang dã, bị săn bắt hay chúng được nuôi có mục đích, giống như mèo, một loại động vật hiến tế khác có xác ướp thường được tìm thấy trong các ngôi mộ của người Ai Cập cổ đại.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã thực hiện các phân tích địa hóa mở rộng về các xác ướp từ Bảo tàng Fusion ở Lyon. Theo kết quả của họ, đây là những con chim hoang dã.

Để xác định nguồn gốc của những con cò ruồi, các tác giả đã lấy các mẫu lông, xương và nội tạng ướp xác rất nhỏ từ hai mươi xác ướp. Họ xác định thành phần đồng vị của oxy, carbon, nitơ, lưu huỳnh và stronti trong các mẫu và so sánh kết quả với dữ liệu tương tự đối với xác ướp người.

Các nhà nghiên cứu giả định rằng trong trường hợp nuôi trong nước, thành phần đồng vị sẽ đồng nhất và gần giống với xác ướp người, bất kể loài chim được cho ăn thức ăn đặc biệt hay chúng ăn thức đồ thừa của con người.

Tuy nhiên, thành phần đồng vị của xác thịt cho thấy sự biến đổi cao và các đặc điểm "kỳ lạ", từ đó các nhà khoa học kết luận rằng loài cò ruồi này là hoang dã và  chúng bay đến Thung lũng sông Nile vào những mùa di cư. Ngoài ra, trên tường của một số ngôi mộ, ví dụ như trên các bức bích họa của ngôi mộ Nakht ở nghĩa địa Theban có miêu tả cảnh săn bắn.

Một lập luận khác ủng hộ giả thuyết cho rằng người ta đã bắt cò ruồi hoang là vì chúng được tìm thấy trong các khu mộ ở đủ mọi giai đoạn phát triển khác nhau, cả chim trưởng thành, chim non và trứng, trong khi tất cả xác ướp của mèo chỉ thuộc về động vật trưởng thành.

Việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của các mô được chọn giúp xác định tuổi của các xác ướp, bao gồm một giai đoạn quan trọng từ Vương quốc Cổ đại (thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên) đến thời kỳ thống trị của La Mã ở Ai Cập (thế kỷ I-III sau Công nguyên).

Theo các nhà khoa học, trong suốt thời gian qua, người Ai Cập tích cực săn bắt cò ruồi và các loài chim săn mồi khác, khiến số lượng của chúng giảm mạnh. Hiện nay, loài cò ruổi, vốn phổ biến rộng rãi trong thời kỳ Ai Cập cổ đại, đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các quần thể hạn chế của chúng chỉ tồn tại ở các sa mạc đá ở Syria và Maroc.

Ngoài chim và mèo, các nhà khảo cổ còn tìm thấy xác ướp của các loài động vật có vú và bò sát khác trong các khu mộ của người Ai Cập cổ đại.

M.P 

Theo Sputnik 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm