Vì sao hàng triệu con muỗi được thả xuống Hawaii?

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nhà bảo tồn hy vọng điều này có thể cứu một giống loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Vì sao hàng triệu con muỗi được thả xuống Hawaii? - 1

Một cá thể chim honeycreeper quý hiếm có màu lông đỏ tươi như máu (Ảnh: Alamy).

Mỗi tuần, một máy bay trực thăng lại thả 250.000 con muỗi đực mang vi khuẩn tự nhiên có tác dụng kiểm soát sinh sản xuống các hòn đảo của quần đảo Hawaii. Được biết, đã có 10 triệu con muỗi được thả trong chiến dịch này.

Đối với con người, muỗi là loài côn trùng có hại. Do đó, hành động này có lẽ sẽ khiến nhiều người bất ngờ.

Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau sẽ còn khiến bạn bất ngờ hơn nữa, khi đó là một trong những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu lấy các loài chim quý hiếm, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Đó là hơn hàng chục loài chim honeycreeper đặc hữu tại quần đảo Hawaii, đang chết dần vì bệnh sốt rét do muỗi mang đến. Chúng không có khả năng miễn dịch với mầm bệnh, nên chim có thể chết chỉ sau một vết đốt của muỗi.

Tính đến nay, ước tính có 30 loài chim honeycreeper đã tuyệt chủng, và rất nhiều trong số 17 loài còn lại đang có nguy cơ tuyệt chủng cao, nếu không có hành động nào được thực hiện.

Các nhà bảo tồn đang khẩn trương cố gắng cứu chúng bằng một chiến lược khác thường, đó là thả thêm muỗi.

Tất cả số muỗi được thả là muỗi đực. Chúng mang trong cơ thể một loại vi khuẩn đặc biệt do các nhà khoa học cấy tạo, với nhiệm vụ ngăn chặn trứng của những con muỗi cái trong tự nhiên được nở ra.

Muỗi cái chỉ giao phối một lần, và nếu chúng thất bại, sẽ không có muỗi non được sinh ra. Điều này giúp giảm tổng số lượng muỗi trên toàn khu vực, hoặc duy trì chúng ở mức có kiểm soát.

Kỹ thuật này đã từng được sử dụng thành công để giảm số lượng muỗi ở Trung Quốc và Mexico. Hiệu quả của chương trình này sẽ trở nên rõ ràng nhất vào mùa xuân và mùa hè, khi quần thể muỗi bùng nổ.

Theo Công viên quốc gia Hawaii, số lượng của Kauaʻi - một loài chim honeycreeper, đã giảm từ 450 con vào năm 2018 xuống còn 5 con vào năm 2023. Đến nay, chỉ còn duy nhất một con được biết là còn sót lại trong tự nhiên trên đảo Kauaʻi.

Chim honeycreeper có giọng hót giống chim hoàng yến, và sự đa dạng giống loài đáng kinh ngạc. Ở chúng, mỗi loài đã tiến hóa với hình dạng mỏ đặc biệt, thích nghi với việc ăn các loại thức ăn khác nhau, từ ốc sên, trái cây đến mật hoa.

Chúng được xem là một phần quan trọng của hệ sinh thái, giúp thụ phấn cho cây và ăn côn trùng.

Theo www.theguardian.com