Vì sao con người có bộ não lớn hơn các loài động vật khác?

Phạm Hường

(Dân trí) - Có thể không phải cái gì chúng ta cũng biết, nhưng ít nhất chúng ta là những sinh vật có bộ não phát triển nhất, và các nhà khoa học rất muốn biết vì sao lại như vậy.

Vì sao con người  có bộ não lớn hơn các loài động vật khác? - 1

Hình ảnh đồ họa ba chiều của bộ não người. 

Chắc chắn là do tiến hóa rồi, nhưng lý do thực sự vì sao bộ nào của con người lại phát triển khác với các loại linh trưởng khác thì vẫn là một điều bí ẩn trong một thời gian dài. Một nghiên cứu mới đây đã tìm ra những manh mối đầu tiên giải thích cho sự phát triển khác biệt của não người so với các loài thú có vú cùng họ hàng.

Con người có khả năng làm được nhiều thứ vĩ đại mà phần nhiều là nhờ có bộ não có kích thước lớn. Các bộ phận trong não người cũng chỉ đơn giản là to hơn của tinh tinh và vượn người nhưng não người có số lượng vô cùng lớn những nơ ron thần kinh so với các loài linh trưởng, và đây chính là điểm làm chúng ta khác biệt. Qua thí nghiệm nuôi cấy thí nghiệm các mẫu vật siêu nhỏ là tế bào não, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện ra điểm khác biệt mấu chốt trong quá trình phát triển ban đầu của não người khi so sánh với tinh tinh và vượn người.

Khi người và linh trưởng ở bước phát triển ban đầu, bộ não của tất cả những loài này đều dựa trên các tế bào sinh sản (tế bào đầu dòng) thần kinh. Những tế bào này nhân lên nhiều lần và cuối cùng tạo nên các nơ ron. Càng có nhiều tế bào sinh sản thì càng có nhiều nơ ron hơn, và hóa ra là các tế bào sinh sản của người lại hoạt động khác với tế bào sinh sản của tinh tinh và vượn người.

Khi quan sát quá trình phân chia của các tế bào sinh sản ở các loài linh trưởng, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy các tế bào này tiếp tục phân chia ở tốc độ rất cao trong khoảng 5 ngày trước khi trưởng thành, sau đó chậm dần. Khoảng thời gian này dài hơn rất nhiều so với chuột, các tế bào của chuột trưởng thành chỉ trong vài giờ. Khung thời gian kéo dài như vậy có nghĩa là các loài linh trưởng đã tăng được sức mạnh của bộ não và có các bộ phận của não to hơn, nhưng tế bào sinh sản của người còn phát triển đến một mức cao hơn thế.

Các nhà nghiên cứu cho biết tế bào sinh sản của người tiếp tục phân chia đến 1 tuần rồi sau đó mới biến đổi. Vì quá trình phân tách tế bào là một quá trình tăng theo cấp số nhân, cho nên thêm 2 ngày nghĩa là có thêm vô vàn tế bào và cuối cùng là vô vàn nơ ron trong cơ thể người.

Tiến sĩ Madeline Lancaster, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết họ phát hiện ra rằng hình dạng của tế bào của những bộ não mới phát triển chưa cố định ngay mà hình thành đủ chậm để làm biến đổi quá trình phát triển, giúp cho việc quyết định số lượng nơ ron được tạo thành. Điều đáng chú ý là một biến đổi tiến hóa đơn giản trong hình dạng tế bào cũng có thể gây ra những tác động lớn đối với tiến hóa của bộ não. "Tôi thấy giống như chúng ta đã thực sự biết được một điều hết sức cơ bản về những câu hỏi mà tôi đã quan tâm từ lâu, đó là cái gì làm cho chúng ta trở thành con người".

Các nghiên cứu tiếp theo còn cho biết có thể kiểm soát sự khác biệt trong quá trình phát triển của tế bào bằng gene ZEB2. Điều thú vị ở đây là bằng cách làm chậm hoạt động của gene ZEB2 trong tế bào của linh trưởng, các thể nội bào của não nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trở nên giống với ở người hơn. Như vậy, nếu chúng ta làm chậm gene ZEB2 của người thì liệu có tạo ra một loài người siêu thông minh hay không? Điều này thực sự không ai biết.