1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp

(Dân trí) - Tổ chức sản xuất nông nghiệp không đồng bộ; giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao; khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực; sự gắn kết giữa khoa học công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn… Hàng loạt bất cập đối với ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ ra.

Sáng 16/7 tại Cần Thơ diễn ra Hội thảo “Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL”. Chương trình do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ NN& PTNT, UBND TP Cần Thơ và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam phối hợp tổ chức.


Năm 2015, cả nước có hơn 33000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 1500 doanh nghiệp có hoạt động khoa học công nghệ

Năm 2015, cả nước có hơn 33000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 1500 doanh nghiệp có hoạt động khoa học công nghệ

Theo báo cáo của Vụ khoa học và công nghệ - Bộ NN&PTNT Việt Nam, giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp đã đạt được mục tiêu đề ra, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. GDP của ngành đạt 3,13%, vượt mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2011-2015 kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 9%/ năm. Hiện nay có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là gạo,cà phê, cá tra, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ. Trong đó, xuất khẩu gạo, hàng nông thủy sản đạt tới mức 30 tỷ USD/năm, chiếm khoảng trên 20% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Năm 2015, cả nước có hơn 33.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 1.500 doanh nghiệp có hoạt động khoa học công nghệ; có 350 doanh nghiệp có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, trong đó có 8% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh những thành quả đạt được thì ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức như tổ chức sản xuất nông nghiệp không đồng bộ; giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao; khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực; sự gắn kết giữa khoa học công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn. Chưa có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào mối liên kết giữa nghiên cứu Khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.

GS.TS Võ Tòng Xuân tiếp xúc với báo chí bên lề hội nghị
GS.TS Võ Tòng Xuân tiếp xúc với báo chí bên lề hội nghị

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, sau hơn 40 năm đất nước được thống nhất và hòa bình nông dân làm ra dư thừa nguyên liệu nông nghiệp để giúp ổn định xã hội, đưa Việt Nam đứng vào hàng ngũ các quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất thế giới. Trong khi đó đời sống nông dân vẫn cơ cực vì giá nông sản thấp, giá vật tư cao. Lúa gạo nhiều, nhưng giá thấp nhất so với các quốc gia xuất khẩu gạo trong vùng.

Giáo sư Xuân cũng cho rằng, ở Việt Nam hiện trạng Nhà nước quy hoạch rồi để đó, mặc cho nông dân tự do trồng, tự do chặt. Doanh nghiệp dựa vào thương lái, chụp giật, ép giá dẫn tới giá bán thấp, vì hàm lượng chất trong sản phẩm quá thấp. Lợi tức của nông dân nhỏ. Năng lực cạnh tranh của nông dân thấp hơn các tầng lớp khác trong xã hội. Hậu quả của tình trạng mạnh ai nấy làm khiến cho việc ứng dụng khoa học công nghệ không đạt kết quả mong muốn nên nông dân vẫn mãi nghèo.

Tại hội thảo, giáo sư Xuân cũng đề nghị cần có nông thôn kiểu mới bởi nông thôn kiểu mới sẽ có nông dân kiểu mới mà nông dân kiểu mới tối thiểu phải được đào tạo có tay nghề hiện đại, kiến thức và kỹ năng đủ để tham gia hoạt động kinh tế cạnh tranh. Nông dân kiểu mới sẽ không tự do sản xuất theo ý hoặc kinh nghiệm của mình mà phải triệt để tuân theo tiêu chuẩn thực hành tốt nông nghiệp ở Việt Nam.

“Để thực hiện được mục tiêu trên thì nhà nước cần ban hành chính sách đổi mới để khuyến khích nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau trên cùng một địa bàn; sửa đổi luật đất đai, sửa luật hợp tác xã cho phù hợp; áp dụng mô hình chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và ưu đãi thuế trong giai đoạn 5 năm đầu... ”- Giáo sư Xuân nói.

Còn ông Nguyễn Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ NN&NT ban kinh tế TW đề xuất: Nâng cao chất lượng nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ trong nông nghiệp; Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp; khuyến khích sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để phục vụ cho xuất khẩu; xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phạm Tâm

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp - 3