Tỷ phú ‘đào mỏ’ Mặt Trăng nhằm kiếm hàng nghìn tỷ USD

Một tỷ phú người Mỹ đã được chính phủ "bật đèn xanh" trong việc phóng thiết bị thăm dò tự hành lên Mặt Trăng và khai thác bề mặt nhằm tìm kiếm nguồn vàng, platinum trị giá hàng nghìn tỷ USD.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Moon Express – công ty tư nhân đầu tiên trong lịch sử nhận được sự cho phép của chính phủ bay ra ngoài quỹ đạo của Trái Đất – ngày 31/1 thông báo thu hút thêm số vốn đầu tư 20 triệu USD để triển khai nhiệm vụ khai phá Mặt Trăng, sẽ được thực hiện vào cuối năm 2017. Con số này nâng tổng số tiền đầu tư vào dự án lên tới 45 triệu USD.

Thách thức hiện giờ của công ty là tạo ra thiết bị khai phá tự hành phải đạt được yêu cầu từ phía ban tổ chức giải XPrize của Google: Hạ cánh nhẹ nhàng lên Mặt Trắng, di chuyển được tối thiểu 500 m trên bề mặt và truyền tải hình ảnh, video chất lượng cao về lại Trái Đất. Mọi nhiệm vụ phải được hoàn tất trước cuối năm nay.

Nếu như thành công, thiết bị tự hành thám hiểm Mặt Trăng MX-1 của công ty Moon Express không chỉ thắng thêm giải thưởng XPrize của Google trị giá 20 triệu USD mà nó còn mở ra một thời kì mới trong việc thám hiểm không gian. Nó sẽ tạo ra tiền lệ khi từ trước đến nay các nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng đều thực hiện và lấy ngân sách từ chính quyền.

Năm ngoái, chính quyền Mỹ đã đặt ra một điều luật lịch sử khi cho phép công ty tư nhân tham gia vào quy trình khám phá Mặt Trăng, sau khi thảo luận bàn bạc với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Theo ông Naveen Jain – người đồng sáng lập và là Chủ tịch công ty, “Moon Express hiện có đủ nguồn vốn căn bản để đưa chiếc tàu bay robot nhỏ gọn của công ty hạ cánh xuống Mặt Trăng trong tháng 11, tháng 12 tới. Mục tiêu của công ty gồm 2 phần: Một là đào sâu dưới bề mặt của Mặt Trăng để tìm kiếm các nguồn tài nguyên giá trị, như Helium-3, vàng, các kim loại nhóm platinum, những nguyên tố hiếm trên Trái Đất và nguồn nước; Hai là giúp các nhà nghiên cứu có thể phát triển quá trình “thuộc địa hóa” trên không gian này cho thế hệ con người tương lai.

Việc tìm được chất Helium-3 trên Mặt Trăng có thể tạo sức ảnh hưởng rất lớn tới Trái Đất và môi trường. Helium-3 là một nguồn năng lượng sạch, không gây phóng xạ có khả năng làm nhiên liệu cho các lò phản ứng. Theo lý thuyết, lượng nhỏ Helium-3 đóng vai trò là chất đốt sạch có thể giải phóng năng lượng cũng cấp cho toàn bộ các ngành công nghiệp, nếu không muốn nói là toàn bộ hành tinh xanh.

Một trong những mục tiêu khác của lần đổ bộ lên Mặt Trăng lần này của Moon Express là việc tìm kiếm nguồn nước tại đây. Nếu như phát hiện có nguồn nước, các nhà khoa học có thể tách nguyên tố hydro và oxy riêng biệt, từ đó tạo ra nhiên liệu cần thiết phục vụ cho các tàu thám hiểm tới những hành tinh xa hơn như Sao Hỏa. Hiểu theo một cách khách, Mặt Trăng trở thành trạm trung chuyển tiếp nhiên liệu cho các tàu du hành vũ trụ sau này.

Được sự trợ giúp từ phía chính phủ, công ty Moon Express hiện đã có thể tiếp cận ban chuyên môn kỹ thuật của NASA. Bên cạnh đó, công ty này còn được cấp giấy phép cho mượn bệ phóng 17 và 18 tại Căn cứ Không quân Cape Canaveral để triển khai nhiệm vụ. Dự án khởi nghiệp kéo dài 6 năm với đội ngũ gồm 30 người đã thu hút được nguồn vốn đầu tư từ những công ty tư nhân, các nhà tỷ phú và cộng đồng nghiên cứu khoa học.

Để chiến thắng giải Google Lunar XPrize cũng như xem ai sẽ đặt chân lên Mặt Trăng trước tiên, Moon Express sẽ phải cạnh tranh với với tàu SpaceIL của Israel, đội Team Inus của Ấn Độ. Trong khi đó, các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga cũng rục rịch tự chuẩn bị để triển khai nhiệm vụ khai phá Mặt Trăng của chính nước mình. Năm 2018, Trung Quốc dự kiến sẽ gửi thiết bị Chang’e-4 lên phần tối của Mặt Trăng để khảo sát, trong khi Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga lên kế hoạch cho con người xây dựng một trạm nghiên cứu không gian tại đây.

Theo Baotintuc