Trường đại học đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
(Dân trí) - “Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, trường đại học đóng vai trò quan trọng. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công nghiệp và xã hội, đóng góp vào sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ cho các doanh nghiệp.” – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết.
Trong xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, vai trò của công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng trong thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong năm 2016, số lượng doanh nghiệp mới thành lập của Việt Nam tăng kỷ lục với hơn 110 nghìn doanh nghiệp và quy mô vốn tăng 48%. 10 tháng năm 2017 có 105.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó 97% có phát sinh doanh thu và nộp thuế. Đây là tín hiệu tốt đo lường sự khởi sắc của nền kinh tế vì số lượng doanh nghiệp gia tăng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới cho xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh việc gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, thì chất lượng và sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần được quan tâm đầu tư mạnh mẽ để Việt Nam có nhiều hơn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh, đó là các doanh nghiệp hình thành và phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ hay mô hình kinh doanh mới.
Khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm mầm, nuôi dưỡng
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm mầm, nuôi dưỡng và thúc đẩy phát triển trong một hệ sinh thái khởi nghiệp tiến bộ, lành mạnh.
Hạt nhân của hệ sinh thái khởi nghiệp là tinh thần kinh doanh, là khởi nghiệp sáng tạo nhưng không thể thiếu các thành tố quan trọng nuôi dưỡng hạt mầm khởi nghiệp đó là: Vai trò kiến tạo của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ thuận lợi, phù hợp; nguồn lực tài chính cho khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và các định chế tài chính công - tư; hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, từ không gian làm việc chung cho tới đội ngũ huấn luyện, tư vấn, cố vấn khởi nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp mà các trường đại học là xúc tác quan trọng nhất; thị trường cho khởi nghiệp với vai trò kết nối của Chính phủ và các doanh nghiệp lớn để các doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có thể tham gia sân chơi chung và tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu; và cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng, đó là văn hóa khởi nghiệp, văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích người trẻ dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn, tư duy sáng tạo và dám chấp nhận rủi ro, thất bại.
Bối cảnh tự do hóa thương mại và cạnh tranh toàn cầu khốc liệt đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có năng lực cạnh tranh quốc tế và khu vực, đồng thời, tác động tất yếu của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 buộc các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới để ứng phó được với các thách thức lớn chưa từng có. Bài toán đặt ra đối với Việt Nam là làm sao đến năm 2020, Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, mà quan trọng hơn, có một lực lượng doanh nghiệp thực sự mạnh, đủ năng lực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt với chất lượng và độ tinh xảo cao, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thậm chí toàn cầu.
“Để đạt được mục tiêu tham vọng đó, chính sách cho khởi nghiệp cần tính toán sao cho không đầu tư dàn trải, không hỗ trợ chung chung mang tính phong trào cho khởi sự kinh doanh, mà cần có lộ trình chiến lược kết hợp các giải pháp chính sách ngắn hạn và dài hạn, tập trung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao trong một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng có của vùng, miền, quốc gia.” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, trong đầu tư cho khởi nghiệp, vai trò của xã hội và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, Nhà nước có thể đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và một phần của hoạt động sản xuất thử nghiệm.
Tuy nhiên, để đưa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, ứng dụng được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo thành sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị gia tăng cho xã hội, thì cần sự đầu tư có trách nhiệm của các lực lượng xã hội, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, trong đó các doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng.
Việt Nam cần cơ chế tác hợp tác công - tư thực sự hiệu quả để huy động được nguồn lực tài chính đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh việc tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư khởi nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi thuế, nới lỏng thủ tục hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước, dù trực tiếp hay gián tiếp hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng cần nhận thức rõ mục đích, sứ mệnh “kiến tạo” và trách nhiệm xã hội của mình là mang lại các lợi ích chiến lược cho cộng đồng khởi nghiệp, người dân và doanh nghiệp, chứ không chỉ nhìn vào các lợi ích trực tiếp, ngắn hạn của Nhà nước.
Trường Đại học đóng vai trò quan trọng
Người đứng đầu ngành Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định, trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, trường đại học đóng vai trò quan trọng. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công nghiệp và xã hội, đóng góp vào sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ cho các doanh nghiệp. Lực lượng sinh viên với nhiều ý tưởng sáng tạo và tư duy tươi mới là đầu vào đầy tiềm năng cho các dự án khởi nghiệp.
Để bắt kịp với xu hướng phát triển hiện đại, các trường đại học Việt Nam cần được trang bị đủ năng lực để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ, hình thành các vườn ươm (incubators) và đơn vị thúc đẩy kinh doanh (business accelerators) để nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo và các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-offs), khởi nghiệp (start-ups).
Cần khuyến khích các trường đại học, đặc biệt là các trường khối kỹ thuật và công nghệ, dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ, xưởng thiết kế chế tạo của sinh viên, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên năm cuối và cựu sinh viên. Việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học là xu thế tất yếu cần quan tâm thúc đẩy.
Một buổi tọa đàm Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 chương trình Workshop "Cách mạng 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?"
“Bên cạnh các nguồn lực tài chính, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần được hỗ trợ bởi hạ tầng kỹ thuật cứng và mềm thuận lợi. Đó là các không gian làm việc chung, hạ tầng công nghệ thông tin Internet, thông tin và cơ sở dữ liệu, mạng lưới và quan hệ đối tác, đặc biệt là đội ngũ các nhà cố vấn, huấn luyện viên, tư vấn khởi nghiệp, phát triển thị trường và kết nối đầu tư trong nước, nước ngoài.
Chính sách của Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ, hạ tầng và đào tạo huấn luyện cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp lớn cũng rất cần vai trò xúc tác của Nhà nước và các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp công lập.” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ.
“Văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa khởi nghiệp là yếu tố cấu thành quan trọng của một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh. Cần hình thành và nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo từ trong nhà trường, gia đình và xã hội. Bên cạnh nỗ lực đưa chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy trong các trường đại học như hiện nay, cần tính đến giải pháp mang tính chiến lược và dài hạn hơn như cân nhắc đưa chương trình giáo dục về đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh vào hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí giáo dục văn hóa đổi mới sáng tạo ngay từ cấp bậc tiểu học”
Nguyễn Hùng (Lược ghi)