1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Trung Quốc vượt mặt Mỹ trong việc phát triển công nghệ laser?

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Nếu công nghệ laser của Trung Quốc được chấp nhận, nó sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chạy đua vũ trang.

Trung Quốc vượt mặt Mỹ trong việc phát triển công nghệ laser? - 1

Các nhà khoa học Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc đã công bố một bước tiến lớn trong lĩnh vực vũ khí laser (Ảnh: Trust my science).

Đây được coi như một chiến công đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu laser ở Trung Quốc, có khả năng giúp thiết kế loại vũ khí này bắn gần như không bị gián đoạn.

Nếu tuyên bố trên là đúng, Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ trong việc phát triển vũ khí laser năng lượng cao.

Trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, tia laser được coi là vũ khí của tương lai, nó hứa hẹn có độ chính xác, tốc độ nhanh và sức phá hủy lớn. 

Hoa Kỳ luôn dẫn đầu trong việc phát triển loại vũ khí này, quốc gia đã phát triển một khẩu súng laser siêu mạnh có thể đạt năng lượng đến 500kW, giúp nó trở thành một vũ khí hiệu quả để bắn hạ tên lửa vũ trang hay máy bay không người lái. 

Nhưng từ trước đến nay, công nghệ này vẫn luôn bị cản trở bởi nhiều thách thức kỹ thuật, một trong số đó là khi sử dụng laser, đặc biệt khi ở công suất năng lượng cao sẽ sản sinh nhiệt mạnh. 

Nếu không kiểm soát được nhiệt, nó có thể gây thiệt hại bên trong, thay đổi các thành phần quang học và làm giảm hiệu suất tổng thể của tia laser. Do đó, tình trạng tiến thoái lưỡng nan về nhiệt này từ lâu đã là một trở ngại lớn cho sự đổi mới trong lĩnh vực vũ khí laser năng lượng cao. 

Bất chấp những nỗ lực không ngừng của các chuyên gia để thiết kế các tia laser mạnh mẽ, việc kiểm soát nhiệt dư này vẫn còn nhiều vấn đề, hạn chế khả năng hiệu quả của những vũ khí này. 

Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc dường như đã tìm ra một giải pháp đầy hứa hẹn để vượt qua trở ngại này. 

Một hệ thống làm mát mang tính cách mạng

Trọng tâm của hệ thống là một cơ chế sử dụng một loại khí cụ thể, nó được thổi trực tiếp qua vũ khí. Khí thu giữ và sơ tán nhiệt dư thừa do tia laser tạo ra trong quá trình sử dụng, do đó tránh được vấn đề liên quan đến nhiệt độ cao.

Trung Quốc vượt mặt Mỹ trong việc phát triển công nghệ laser? - 2

Nếu hệ thống làm mát này được công nhận, nó có thể cho phép vũ khí laser bắn phá liên tục (Ảnh: Getty).

Nhờ phương pháp làm mát này, vũ khí laser có thể duy trì hoạt động trong thời gian dài mà không giảm sức mạnh hoặc các thành phần cấu tạo vũ khí không biến dạng dưới tác động của nhiệt. 

Đặc biệt những tia laser này không chỉ có thể tạo ra chùm tia chất lượng cao hơn ngay khi chúng được kích hoạt, nó có thể duy trì hiệu suất bắn phá liên tục. 

Nếu những kết quả này được xác nhận, Trung Quốc có thể nhanh chóng định vị mình là quốc gia hàng đầu về công nghệ vũ khí laser, chính thức vượt qua Hoa Kỳ. 

Lợi thế này không chỉ là về công nghệ, nó có thể giúp Trung Quốc giành lợi thế chiến lược và địa chính trị. Ưu điểm của hệ thống này nằm ở tính di động và độ nhỏ gọn của nó.

Một vũ khí laser, dù mạnh đến đâu phải đủ nhỏ gọn để được triển khai hiệu quả trên chiến trường. 

Đặc biệt, nếu Trung Quốc thực sự thành công trong việc thu nhỏ công nghệ làm mát hiệu quả cho tia laser năng lượng cao, nó sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chạy đua vũ trang.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Hoa Kỳ không phải là nước mới nghiên cứu vũ khí laser. Trong nhiều năm qua, quốc gia đã đầu tư vào việc phát triển các công nghệ laser cho các ứng dụng quân sự và chiến lược. 

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chi rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu, phát triển loại vũ khí này, nhưng nó vẫn chưa được tích hợp rộng rãi vào kho vũ khí quốc gia. Một số lý do dẫn đến điều này có thể xuất phát những thách thức kỹ thuật, hạn chế về tài chính hay liên quan đến chính sách chiến lược. 

Ngoài ra, các nguyên mẫu vũ khí laser của Mỹ nhận được nhiều chỉ trích liên quan đến việc chúng thiếu sức mạnh hủy diệt, khiến vũ khí này kém hấp dẫn hơn khi thay thế cho vũ khí thông thường.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố trên tạp chí công nghệ Acta Optica Sinica.