Trung Quốc phát minh "áo choàng tàng hình" hoàn toàn cho máy bay
(Dân trí) - Áo choàng tàng hình thường được coi là phát minh bước ra từ vũ trụ khoa học viễn tưởng, bước đột phá khoa học gần đây ở Trung Quốc có thể biến ý tưởng này thành hiện thực.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Chiết Giang đã phát triển một loại áo choàng tàng hình dành cho máy bay và máy bay không người lái (UAV), chúng có khả năng hoàn toàn vô hình trước radar kẻ thù.
Công nghệ này có thể thay đổi cách Trung Quốc triển khai máy bay không người lái quân sự, đồng thời mang lại lợi thế chiến lược trên chiến trường nếu xảy ra xung đột.
Cuộc tìm kiếm khả năng tàng hình của quân đội
Trong nhiều thập kỷ, quân đội Hoa Kỳ đã phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình như chiến đấu cơ F-35 với mục đích để chúng khó bị phát hiện nhất có thể.
Những chiếc máy bay này được trang bị vật liệu đặc biệt có khả năng hấp thụ sóng radar để không bị máy dò tìm ra.
Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa thể hoàn hảo do các radar được phát triển ngày càng tinh vi, đặt ra một bài toán đòi hỏi các quốc gia cần tìm ra những giải pháp mới.
Một trong những thách thức lớn đối với các kỹ sư là điều khiển sóng điện từ theo cách làm cho các vật thể trở nên vô hình cả trong quang phổ khả kiến ( ánh sáng được tạo thành từ các màu bao gồm đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm và tím) và những phần vô hình như sóng radar.
Đây là một phần trong sứ mệnh tìm kiếm siêu vật liệu - những vật liệu có thể bẻ cong ánh sáng và sóng radar theo cách khiến chúng chuyển động xung quanh vật thể, thay vì bật ra khỏi vật thể.
Mục tiêu là tạo ra các thiết bị có khả năng khiến máy bay và UAV hoàn toàn vô hình trước radar của kẻ thù.
Vai trò then chốt của Trung Quốc
Sự phát triển của công nghệ tàng hình ở Trung Quốc diễn ra nhanh chóng. Ngay từ năm 2011, Viện Công nghệ tiên tiến Quảng Kỳ đã bắt đầu sản xuất siêu vật liệu chuyên dụng cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, chẳng hạn như J-20 Mighty Dragon.
Những vật liệu này cho phép các phương tiện giảm khả năng hiển thị của radar nhưng chúng chưa có khả năng làm cho một vật thể hoàn toàn vô hình.
Nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc từ Đại học Chiết Giang đã thực hiện bước tiếp theo bằng cách thiết kế áo choàng tàng hình dành riêng cho UAV.
Không giống như máy bay, UAV thường nhỏ và nhanh hơn, khiến chúng càng khó bị phát hiện.
Mục tiêu là tạo ra một hệ thống có khả năng làm cho những máy bay không người lái này trở nên vô hình trước radar, ngay cả khi chúng di chuyển ở tốc độ cao và trong các điều kiện khác nhau (trên biển, trên không hoặc trên đất liền).
Sự đổi mới áo tàng hình của Đại học Chiết Giang nằm ở cách tiếp cận thông minh, không giống như các thiết kế áo choàng tàng hình trước đây chỉ bao phủ một vật thể bằng vật liệu có khả năng uốn sóng radar tĩnh, công nghệ mới này được kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để điều chỉnh áo choàng theo thời gian thực.
Các cảm biến trên thân máy bay đo đặc điểm của sóng radar quét vật thể và AI điều chỉnh cấu trúc của áo choàng để dẫn các sóng này xung quanh máy bay không người lái, giống như một con tắc kè hoa thích nghi với môi trường của nó.
Khả năng thích ứng này cho phép áo choàng hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau và mang lại khả năng tàng hình gần như hoàn hảo.
Những thử nghiệm trong môi trường được kiểm soát, máy bay không người lái được trang bị áo choàng đã cho thấy kết quả ấn tượng.
Cường độ sóng radar mà nó gửi về thực tế giống với cường độ của môi trường mà nó đang hoạt động. Để so sánh, một máy bay không người lái thông thường sẽ phản hồi nhiều sóng radar hơn, khiến nó dễ dàng bị phát hiện.
Ý nghĩa quân sự và chiến lược
Sự phát triển của loại áo tàng hình này có thể có tác động lớn đến chiến tranh hiện đại, đặc biệt là trong các cuộc xung đột mà việc sử dụng UAV đang được đánh giá có vai trò quan trọng.
Hãy tưởng tượng một đội quân máy bay không người lái của Trung Quốc đang tấn công một mục tiêu chiến lược và hoàn toàn vô hình trước radar kẻ thù sẽ khiến việc đánh chặn chúng trở nên khó khăn.
Công nghệ này có thể mang lại lợi thế mang tính quyết định, đặc biệt là ở những khu vực nhạy cảm.
Trong kịch bản chiến tranh, một đội máy bay không người lái vô hình có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương mà không bị phát hiện và thực hiện các cuộc tấn công trước khi mối đe dọa được nhận ra.
Mặc dù chiếc áo tàng hình này mang đến những góc nhìn hấp dẫn nhưng nó vẫn chưa hoàn hảo.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, đặc biệt là để đảm bảo rằng các sóng radar ở các tần số khác nhau có thể được điều khiển với độ chính xác cao.
Hiện tại, mục tiêu là làm cho những chiếc máy bay không người lái này trở nên vô hình trước radar của kẻ thù, nhưng việc triển khai ở quy mô lớn hơn vẫn có thể gặp phải những trở ngại kỹ thuật.
Vẫn còn phải xem liệu công nghệ này có thể được phát triển hơn, ứng dụng rộng hơn như máy bay chiến đấu hay không?
Do đó, nghiên cứu về siêu vật liệu sẽ không ngừng phát triển và trong những năm tới có thể còn chứng kiến những tiến bộ đáng ngạc nhiên hơn nữa trong lĩnh vực tàng hình.