Trục vớt rùa cổ đại khổng lồ to như tê giác, tuyệt chủng 66 triệu năm trước
(Dân trí) - Mẫu vật của một trong những loài rùa lớn nhất từng được biết đến, dài gần 4 mét, đã được tìm thấy ở vùng biển Tây Ban Nha.
Mới đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy mẫu vật của Archelon - loài rùa cổ đại đã tuyệt chủng vào khoảng cuối kỷ Phấn trắng muộn, khoảng 66 triệu năm trước.
Đây được ghi nhận là một trong những loài rùa lớn nhất từng được biết đến trên Trái Đất, có tên khoa học là Leviathanochelys aenigmatica. Trong đó, "leviathan" là tên con quái thú biển trong Kinh thánh Leviathan, được sử dụng để đặt tên cho rùa biển nhờ kích thước khổng lồ của nó.
Theo ghi chép từ nghiên cứu, mẫu vật của rùa Archelon tiết lộ rằng nó có thể dài tới gần 4 mét, tức tương đương với kích thước của một con tê giác. Mẫu vật được trục vớt từ khu vực Cal Torrades, nằm ở đông bắc Tây Ban Nha. Nó được cho là đã ẩn mình dưới mặt nước trong khoảng 80 triệu năm.
Bên cạnh kích thước đáng kinh ngạc, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy nhiều đặc điểm giải phẫu nằm trên xương chậu và mai của mẫu vật, và điều này khiến họ bất ngờ. Một số thậm chí còn cho rằng họ đang xem xét một giống loài mới, và thậm chí có thể là một nhóm rùa mới.
Kích thước khổng lồ của loài rùa này là một ví dụ về sự tiến hóa hội tụ. Trên thực tế cho đến nay, đặc điểm tương tự vẫn được tìm thấy ở những loài rùa khổng lồ của thế giới tồn tại ở Bắc và Nam Mỹ.
Theo các tác giả của nghiên cứu, việc tìm thấy mẫu vật rùa biển lớn nhất thế giới đã làm sáng tỏ sự đa dạng của rùa biển và xu hướng tiến hóa theo hướng "khổng lồ hóa" xảy ra trong các nhóm rùa biển ở khu vực châu Âu nói riêng, và kỷ Phấn trắng nói chung.