Trong vũ trụ có bao nhiêu ngôi sao?
(Dân trí) - Mặc dù con người đã đặt tên cho một vài chòm sao, từ chòm sao Orion cho tới Big Dipper, tuy nhiên, trong vũ trụ còn có rất nhiều ngôi sao chưa bao giờ được đặt tên. Hiện vẫn chưa biết chính xác là có bao nhiêu ngôi sao, nhưng có thể khẳng định đó là một con số rất lớn.
Một phương pháp để có được con số này là phải tìm ra số lượng sao trung bình trong một thiên hà điển hình và nhân con số đó với số thiên hà ước tính được.
Theo một nghiên cứu mới được công bố vào tháng 10/2016 trên tạp chí Khoa học bởi Christopher Conselice – một giáo sư về vật lý thiên văn tại Đại học Nottingham, Anh - và các đồng nghiệp của ông, các bức ảnh từ Kính viễn vọng không gian Hubble cho thấy rằng: số lượng các thiên hà trong vũ trụ gấp khoảng 10 lần so với dự đoán trước đó của các nhà khoa học, với tổng số là khoảng 2.000 tỷ thiên hà.
Conselice cho rằng một trong những ước lượng chính xác nhất là trong một thiên hà trung bình có khoảng 100 triệu ngôi sao.
Nhưng, để có được con số đó không chỉ là việc nhắm một ống kính thiên văn lên bầu trời và đếm tất cả đốm sáng. Chỉ có những ngôi sao sáng nhất trong một thiên hà tỏa ra ánh sáng đủ mạnh mới có thể phát hiện bằng kính thiên văn. Chẳng hạn như, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí về thiên văn học Astrophysical Journal, trong năm 2008, Trạm quan sát bầu trời bằng kỹ thuật số Sloan (SDSS – đơn vị đã lập bản đồ của tất cả các vật thể vũ trụ quan sát được trong 1/3 bầu trời) đã phát hiện được 48 triệu ngôi sao, trong khi đó, số lượng sao theo ước tính chỉ đạt ½ con số đó. Thậm chí, một ngôi sao sáng như mặt trời của chúng ta ở trong thiên hà Andromeda còn không thể phát hiện được bằng các kính thiên văn truyền thống giống như SDSS đã dùng.
Thay vào đó, hầu hết mọi người ước tính số lượng sao trong một thiên hà dựa vào khối lượng của thiên hà đó. Bởi vì vũ trụ đang giãn nở và các thiên hà đang di chuyển về phía xa, trung bình, ánh sáng từ các thiên hà khác sẽ hơi “dịch về phía đỏ”, có nghĩa là, bước sóng ánh sáng bị kéo dài ra. Tuy nhiên, bởi vì các thiên hà đang quay, nên một số bộ phận của thiên hà lại thực sự di chuyển gần với Trái đất, điều đó có nghĩa là một số ánh sáng lại “dịch về phía xanh”. Bằng cách sử dụng các phép đo dựa trên ánh sáng này, các nhà thiên văn học có thể ước tính sơ bộ về tốc độ quay của các thiên hà, và điều này sẽ cho thấy khối lượng của thiên hà đó.
Từ đó, các nhà khoa học phải lọc ra tất cả các vật chất tối, hoặc các vật chất gây ra lực kéo nhưng không phản xạ ánh sáng.
David Kornreich – một trợ lý giáo sư tại trường Ithaca College ở New York, Mỹ cho biết “trong một thiên hà điển hình, nếu bạn đo khối lượng của nó bằng cách nhìn vào đường cong xoay, thì khoảng 90% trong số đó là vật chất tối”.
Nhân số lượng thiên hà – khoảng 2.000 tỷ - với 100 triệu ngôi sao trong 1 thiên hà thì có thể có 1019 ngôi sao trong vũ trụ.
Anh Thư (Tổng hợp)