1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tìm thấy mỏ kim loại đất hiếm lớn nhất châu Âu

Minh Khôi

(Dân trí) - Thế thống trị về đất hiếm của Trung Quốc có nguy cơ bị lung lay sau khi Na Uy phát hiện mỏ kim loại đất hiếm có trữ lượng lớn.

Tìm thấy mỏ kim loại đất hiếm lớn nhất châu Âu - 1

Nguyên tố đất hiếm Neodymium được trưng bày tại nhà máy Công ty Công nghệ cao Đất hiếm Baotou, Nội Mông. Phần lớn trữ lượng đất hiếm hiện nay trên thế giới tập trung ở Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg).

Công ty khai thác đất hiếm Rare Earths Na Uy mới đây cho biết họ đã tìm thấy mỏ đất hiếm với trữ lượng cực lớn, có khả năng tạo ra bước ngoặt cho đất nước Bắc Âu nói riêng, cũng như toàn khu vực châu Âu nói chung.

Tổ chức này ước tính tài nguyên khoáng sản được tìm thấy tại khu phức hợp Fen, cách Thủ đô Oslo khoảng 210 km về phía Tây Nam, có tổng trữ lượng 8,8 triệu tấn oxit đất hiếm (TREO).

Trong đó, khoảng 1,5 triệu tấn đất hiếm liên quan đến nam châm có thể được sử dụng trong lĩnh vực xe điện và tua-bin gió. Những kim loại này cũng được sử dụng để làm điện thoại, màn hình, loa và nhiều thiết bị điện tử khác.

Phát hiện này đáng chú ý hơn rất nhiều so với  một mỏ đất hiếm khác được phát hiện vào năm 2023 ở nước láng giềng Thụy Điển, với trữ lượng chỉ khoảng một triệu tấn oxit đất hiếm.

Alf Reistad, Giám đốc điều hành của tổ chức Rare Earths Na Uy, cho rằng phát hiện tại khu Fen có thể được xem như một "cột mốc quan trọng" đối với công ty.

Qua đó, trữ lượng đất hiếm nếu được khai thác đúng tiềm năng, có thể khẳng định vị thế của Na Uy như một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị đất hiếm và nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu.

Được biết, hầu hết các nguyên tố đất hiếm trên thế giới hiện nay đều nằm ở Trung Quốc, với việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chiếm xấp xỉ 70% sản lượng khai thác quặng đất hiếm toàn cầu và 90% sản lượng chế biến quặng đất hiếm.

Trung Quốc cũng là đối tác nhập khẩu đất hiếm lớn nhất của EU vào năm 2022, chiếm 40% tổng lượng nhập khẩu tính theo trọng lượng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) từng cho biết nguồn cung này là không đủ để chuyển đổi ngành năng lượng toàn cầu, do chịu nhiều hạn chế về mặt địa lý trong các khâu khai thác, sản xuất, chuyển tiếp năng lượng.

Do đó, việc phát hiện và khai thác các nguyên tố đất hiếm ở châu Âu có thể mang lại những triển vọng kinh tế mới trong tiến trình chuyển đổi nguồn năng lượng sạch trên toàn cầu.

Theo www.nbcnews.com