1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Tìm thấy mảng kiến tạo bị mất ẩn sâu dưới Thái Bình Dương

Phạm Hường

(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa tái tạo lại một mảng kiến tạo đã mất từ lâu và có thể chính là nơi đã tạo ra một vòng cung núi lửa ở Thái Bình Dương 60 triệu năm trước.

Tìm thấy mảng kiến tạo bị mất ẩn sâu dưới Thái Bình Dương - 1

Mảng kiến tạo này được đặt tên là “Tái Sinh” lâu nay vẫn là chủ đề của những tranh luận trái chiều giữa các nhà địa vật lý học vì có ý kiến cho rằng nó chưa bao giờ tồn tại. Nhưng mô hình tái tạo lục địa này cho thấy ở rìa của mảng kiến tạo đá này là một vệt những núi lửa cổ đại mà chúng ta đã biết. Điều đó cho thấy nơi đây từng là một phần của vỏ Trái Đất ngày nay ở phía Bắc Canada.

“Núi lửa hình thành ở ranh giới mảng, và càng có nhiều mảng thì càng có nhiều núi lửa” – Nhà địa chất học Jonny Wu của Trường đại học Houston, Mỹ, cho biết. Núi lửa cũng ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu. Vì thế, khi các nhà khoa học lập mô hình Trái Đất để tìm hiểu khí hậu biến đổi như thế nào thì họ sẽ rất chú ý đến việc trên Trái Đất đã từng có bao nhiêu núi lửa.

Tìm thấy mảng kiến tạo bị mất ẩn sâu dưới Thái Bình Dương - 2

Sơ đồ khối ba chiều cắt lớp khu vực Bắc Mỹ cho thấy mảng kiến tạo Farallon khi được dàn phẳng để xác định vị trí của mảng Tái Sinh đã mất. 

Tìm thấy mảng kiến tạo bị mất ẩn sâu dưới Thái Bình Dương - 3

Đây là hình ảnh tái tạo mảng kiến tạo phía Tây của Bắc Mỹ cách đây 66 triệu năm, mô tả quá trình hút chìm của ba mảng kiến tạo chính: Kula, Farallon và Tái Sinh.

Các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Houston đã sử dụng một mô hình máy tính về vỏ Trái Đất để “lật mở” chuyển động của các mảng kiến tạo từ đầu Đại Tân sinh, tức là kỷ nguyên địa chất bắt đầu cách đây 66 triệu năm. Các nhà địa vật lý học đã biết rằng thời đó ở khu vực Thái Bình Dương có 2 mảng kiến tạo, mảng Kula và mảng Farallon.

Vì có rất nhiều magma ở phía Đông của vị trí cũ của các mảng mà ngày nay là Alaska và Washington nên một số nhà khoa học cho rằng vẫn còn thiếu một mảnh ghép của cả bức tranh, và họ đặt tên cho mảnh ghép còn thất lạc này là “Tái Sinh”. Magma ở đây chính là từ các núi lửa ở rìa mảng kiến tạo đó. 

Tất cả các mảng này từ lâu đã bị nhấn chìm xuống dưới lớp vỏ Trái Đất trong một quá trình gọi là hút chìm. Các nhà khoa học đã sử dụng máy tính để tái tạo hình ảnh quay ngược lại quá trình hút chìm đó, tua lại chuyển động và nâng các mảng lên. Họ phát hiện ra mảng Tái Sinh vừa khít vào bức tranh ghép. 

Khi được “nâng” lên bề mặt Trái Đất và tái tạo lại, các đường biên của mảng kiến tạo cổ đại này vừa khít với các vành đai núi lửa cổ đại ở bang Washington và Alaska. Đây chính là mối liên kết hợp lý vẫn được tìm kiếm bấy lâu nay giữa Thái Bình Dương cổ đại với Bắc Mỹ - Nhà địa chất học Jonny Wu cho biết.