1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tìm thấy loài người "ma" ở Tây Phi

Minh Khôi

(Dân trí) - Gen di truyền từ một loài hominin bí ẩn được xác định ở một số quần thể thuộc Tây Phi.

Tìm thấy loài người ma ở Tây Phi  - 1

DNA của loài người "ma" được tìm thấy ở Tây Phi hoàn toàn không hề khớp với người Neanderthal hay người Denisovan (Ảnh minh họa.)

Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học California, Mỹ, cho thấy một số quần thể sống ở Tây Phi ngày nay có dấu vết của một loài hominin (loài người) cổ xưa nằm trong DNA của họ.

Phát hiện này giống như cách DNA của người Neanderthal vẫn có thể được tìm thấy trong nhiều quần thể người gốc Phi, hay DNA của người Denisovan tồn tại ở những người gốc Á.

Tuy nhiên, không giống như hai tộc người "họ hàng" kể trên, khoa học ngày nay chưa thể tìm thấy bất kỳ dấu vết tồn tại nào của loài người cổ đại, hay còn gọi là người "ma" này.

Để đi tới phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã phân tích bộ gen của hơn 400 người từ 4 quần thể sống ở Tây Phi, bao gồm người Yoruba và Mende.

Sử dụng kỹ thuật xác lập mô hình máy tính, họ phát hiện ra rằng có khoảng từ 2 - 19% mã gen di truyền của quần thể được lấy từ một nguồn không xác định được.

Điều này đã đặt ra câu hỏi lớn: Tổ tiên của họ là ai?

Tìm thấy loài người ma ở Tây Phi  - 2

Vẫn còn nhiều bí ẩn trong cây phả hệ của loài người (Ảnh: History).

Một số giả thuyết cho rằng dòng gen sinh ra khi các thành viên của hai quần thể giao phối và các cá thể lai tạo ra sau đó tiếp tục làm điều tương tự với thành viên của quần thể bố mẹ.

Trên thực tế, con người hiện đại được cho là cũng giao phối rộng rãi với cả người Neanderthal và người Denisovan, khi một lượng nhỏ DNA của họ vẫn có thể được tìm thấy ở hầu hết các quần thể châu Âu và Đông Á.

Tuy nhiên, DNA của loài người "ma" được tìm thấy ở Tây Phi hoàn toàn không hề khớp với người Neanderthal hay người Denisovan.

Rõ ràng, vẫn còn những bí ẩn trong cây phả hệ của loài người, cũng như những tộc người từng tồn tại trong quá khứ nhưng chưa hề được biết tới.

Theo www.iflscience.com