Tìm thấy dấu hiệu của nước trên tiểu hành tinh 4,5 tỷ năm tuổi Bennu
(Dân trí) - Tàu OSIRIS-Rex của NASA đã có một khám phá vô cùng quan trọng đó là những dấu hiệu của nước trên tiểu hành tinh Bennu.
Những hình ảnh độ phân giải cao đã được gửi về Trái Đất khiến các nhà khoa học vô cùng bất ngờ. Những khoáng chất ngậm nước được cho đã xuất hiện trên bề mặt tiểu hành tinh Bennu. Đây là bằng chứng cho thấy nước đã từng xuất hiện ở tiểu hành tinh này.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đặt giả thuyết về "hành tinh mẹ" của Bennu trước khi bị bắn ra bởi một vụ nổ có thể là một hành tinh có nước.
"Chúng tôi rất vui mừng. Những hình ảnh thật ngoạn mục và nổi bật, những gì chúng tôi mong đợi nhờ vào những dự đoán được thực hiện với thiết bị tại Đài thiên văn Arecibo vào cuối những năm 90 và đầu những năm 2000 đã thành hiện thực.
Chúng tôi dự định dành một năm rưỡi lập bản đồ về Bennu và phải đợi đến giữa năm 2020 để thu thập các mẫu, nhưng thật tuyệt vời khi thực sự nhìn thấy nó ngay bây giờ", Humberto Campins, một nhà khoa học hành tinh của Đại học Florida, giáo sư vật lý và là thành viên của nhóm các nhà khoa học trong sứ mệnh OSIRIS-REx cho biết.
Bản thân Bennu quá nhỏ để có thể chứa nước lỏng, vậy nước đến từ đâu? Các nhà khoa học cho rằng, nước lỏng có mặt trên cơ thể "mẹ" của Bennu, một tiểu hành tinh lớn hơn nhiều mà Bennu đã bung ra. Có lẽ đó là một hành tinh giống như hành tinh lùn Ceres cũng cho thấy bằng chứng về nước trong quá khứ.
Dự kiến, khi các mẫu vật liệu được hoàn thành và tàu vũ trụ OSIRIS-Rex trở về Trái Đất vào năm 2023, các nhà khoa học sẽ nhận được một kho tàng thông tin mới về lịch sử và sự tiến hóa của Hệ Mặt Trời.
Tàu OSIRIS-Rex sẽ tiến vào quỹ đạo của Bennu ngày 31/12, sau khi thực hiện nhiều chuyến bay vòng quanh tiểu hành tinh này.
Tiểu hành tinh Bennu được cho xuất hiện trong thời kỳ sơ khai của Hệ Mặt Trời và khoảng 4,5 tỷ năm tuổi. Tiểu hành tinh này được coi là một "kho tàng" giúp giới khoa học nghiên cứu quá khứ của các hành tinh trong vũ trụ. Bennu có đường kính trung bình gần 500 m.
Minh Long (Theo Earth Sky)