Tìm thấy dạng sống bất tử trên Trái đất, có khả năng quay ngược vòng đời
(Dân trí) - Phương pháp "chuyển dịch tế bào" của loài vật này đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học để tìm ra "liệu pháp bất tử" cho con người, từ đó tránh được cái chết.
Turritopsis nutricula (hay còn được biết đến là Sứa bất tử, hay sứa hải đăng) là một loại thủy tức giống sứa thuộc ngành Cnidaria, có khả năng quay ngược vòng đời của chúng từ thời kỳ trưởng thành trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào và từ đó lại tiếp tục phát triển.
Đây là trường hợp duy nhất từng được phát hiện ra về một loại sinh vật đa bào có khả năng quay ngược vòng đời khi giao phối sau khi đã trưởng thành về mặt tình dục.
Nhiều người cho rằng sứa hải đăng đã xuất hiện từ kỷ Phấn trắng, tức là chúng đã tồn tại trong đại dương được hơn 100 triệu năm.
Ngoại hình và nguồn gốc của "sứa bất tử"
Sứa hải đăng thực chất là một loài xâm lấn. Nó có nguồn gốc ban đầu ở Thái Bình Dương và được cho là đã xâm chiếm các đại dương trên khắp thế giới do sự can thiệp gián tiếp từ con người, thông qua nước dằn tàu.
Giống sứa này có hình dạng giống như một cái chuông, với đường kính tối đa chỉ khoảng 4,5 mm. Trong đó, một cá thể non chỉ có đường kính 1 mm, và có 8 xúc tu mọc đều nhau dọc theo mép, trong khi các cá thể trưởng thành có 80-90 xúc tu.
Đặc điểm nhận dạng của sứa hải đăng là sở hữu bức màng khá mỏng và dạ dày tương đối lớn, có màu đỏ tươi và có hình chữ thập trong phần chéo.
Sở dĩ có kích thước nhỏ, và không gây ra quá nhiều phản ứng ngược đối với hệ sinh thái nên ít ai để ý đến sự xâm hại của loài vật này. Giờ đây, sứa Turritopsis hiện có thể được tìm thấy trong các vùng ôn đới tới các vùng nhiệt đới tại tất cả các đại dương trên thế giới.
Điều này khiến các nhà sinh vật học lo ngại chúng có thể thống trị toàn bộ đại dương với khả năng tồn tại vĩnh cửu - miễn là "không bị ăn thịt hay vượt qua bệnh tật".
Do cơ chế bất tử, nên dù có bị ảnh hưởng bên ngoài tác động đến bao nhiêu, thì số lượng của chúng cũng sẽ tăng lên nhanh chóng. "Qua nhiều năm, chúng tôi vẫn đang chờ đợi một cuộc xâm lược thầm lặng", tiến sĩ Maria Pia Miglietta, Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian cho biết.
Khả năng bất tử
Sứa hải đăng là một loài thuộc lớp thủy tức, và chúng có 2 giai đoạn phát triển khác nhau trong vòng đời: Giai đoạn Polyp (hydroid) và giai đoạn phát triển thành sứa.
Trong đó, sứa trưởng thành sẽ đẻ trứng và được thụ tinh trong nước, sau đó chúng giữ lại trứng đã được thụ tinh trong cơ thể sứa cái cho đến giai đoạn chúng phát triển thành ấu trùng planula.
Những ấu trùng planula này có thể bơi tự do như giun hoặc trôi nổi dưới biển, rồi sẽ chìm xuống đáy biển để hình thành hệ tiêu hóa và tự sinh sản vô tính thành các polyp.
Sau phương thức sinh sản vô tính là hình thức sinh sản nảy chồi, các polyp từ từ phát triển thành sứa trưởng thành và bắt đầu một vòng đời mới.
Dẫu vậy trong khi hầu hết các loài sứa đều có tuổi thọ tương đối cố định, thay đổi theo loài, thường là từ vài giờ đến vài tháng, thì sứa hải đăng là loài duy nhất được biết đến với khả năng tự mình biến đổi hàng loạt các mô tế bào, khiến chúng được coi là bất tử.
Theo các tài liệu khoa học, điều này được thực hiện thông qua một quá trình được gọi là "sự chuyển dịch tế bào". Trong đó, một dạng tế bào ở cơ thể gốc có thể chuyển đổi thành dạng tế bào khác. Trong quá trình này giống sứa của loài sứa bất tử sẽ được chuyển hóa thành các Polip trong nhóm Polip mới.
Về mặt lý thuyết, sứa Turritopsis có thể đảo chiều vòng đời của mình liên tục mà không giới hạn số lần, bởi vậy có thể nói chúng chính là một dạng sống bất tử, và cũng là loài duy nhất trên thế giới có cơ chế sống như vậy.
Tuy nhiên trên thực tế, sứa Turritopsis cũng như các loài khác trong họ sứa sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề đe dọa sự tồn tại, như săn bắt hay mắc các chứng bệnh trong giai đoạn còn là sinh vật phù du. Điều này sẽ khiến cá thể sứa mất khả năng chuyển hóa các Polip, cũng như khả năng độc đáo của mình.
Phương pháp phát triển tế bào trong giai đoạn "chuyển dịch tế bào" của sứa Turritopsis nutricula đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà khoa học trong việc thay đổi cách thức hoạt động của tế bào gốc con người, từ đó giúp các mô tránh bị tổn thương do tác động của thời gian, và thậm chí tránh được cái chết.