Tìm thấy bằng chứng có thể viết lại lịch sử tiến hóa của loài người

Minh Khôi

(Dân trí) - Hóa thạch được tìm thấy tại hang động Sterkfontein (Nam Phi) có thể chỉ ra điều nằm ngoài suy đoán trước đây của các nhà khảo cổ học.

Tìm thấy bằng chứng có thể viết lại lịch sử tiến hóa của loài người - 1

Theo các nhà nghiên cứu, hóa thạch của 4 loài Australopithecus khác nhau vừa được tìm thấy ở Hang động Sterkfontein (Nam Phi) thuộc về một chi của loài Australopithecus (còn gọi là 'Vượn người phương Nam') có thể đã tồn tại trước cả hóa thạch "Lucy" nổi tiếng - được tìm thấy cách đây ít nhất 3,2 triệu năm. Trước đó, hóa thạch "Lucy" được xem là "ứng cử viên" số 1 cho giống loài tạm gọi là tổ tiên của loài người. 

Trên thực tế, địa điểm này cũng từng nổi tiếng trong quá khứ và được biết đến như "Cái nôi của loài người" khi người ta tìm thấy hóa thạch của loài Australopithecus lần đầu tiên vào năm 1936. Qua nhiều thập kỷ, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy hàng trăm hóa thạch khác tại đây.

Theo Darryl Granger, một nhà địa chất học tại Đại học Purdue, những hóa thạch mới được tìm thấy có thể đã có tuổi đời khoảng từ 3,4 triệu đến 3,7 triệu năm. Điều này mở ra khả năng loài người cổ đại có thể đã tiến hóa từ loài Australopithecus ở khu vực Nam Phi, chứ không phải Đông Phi như lâu nay chúng vẫn lầm tưởng.

Tìm thấy bằng chứng có thể viết lại lịch sử tiến hóa của loài người - 2

Đồ họa mô phỏng Australopithecus - loài được cho là "tổ tiên" của loài người (Ảnh: Adobe Stock).

Tuy nhiên, Granger thừa nhận rằng việc tìm hiểu niên đại của các hóa thạch ở Sterkfontein có thể sẽ vô cùng khó khăn. "Thông thường, các nhà khoa học ước tính tuổi của hóa thạch bằng cách phân tích các lớp mà chúng được tìm thấy; lớp càng sâu, tuổi của chúng cũ", Granger chia sẻ. "Tuy nhiên, hệ thống phức tạp của các hang động tại Sterkfontein có thể khiến cho các trầm tích cũ bị trộn lẫn với vật chất mới hơn, làm phức tạp thêm những nỗ lực xác định niên đại của chúng".

Những cách khác để xác định niên đại của mẫu vật bao gồm kiểm tra xương của các loài động vật khác, chẳng hạn như ngựa được khai quật xung quanh, hoặc lớp đá kết dính với các hóa thạch. Tuy nhiên, hài cốt có thể đã bị xáo trộn trong các hang động khi lũ lụt xảy ra, cũng như đá non bị lắng đọng trong trầm tích cũ.

Điều này có nghĩa là niên đại thu được từ các phương pháp kể trên có thể sẽ không chính xác. Thế nhưng nếu như điều này được chứng minh là đúng, nó sẽ mở ra một cơ hội khả thi để viết lại lịch sử tiến hóa của loài người.

Theo www.livescience.com