Tìm ra cách thu điện từ ... nước mắt
(Dân trí) - Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm gần đây, các nhà nghiên cứu tại Viện bernak của ĐH Limerick, Ireland đã tìm thấy tinh thể lysozyme tạo ra dòng điện khi có áp lực. Lysozyme được tìm thấy trong nước mắt, nước bọt cũng như lòng trắng trứng chim và sữa của động vật có vú.
Thạch anh cũng có khả năng tạo ra điện khi có áp suất, một chất được gọi là áp điện. Khả năng này khiến cho thạch anh trở nên hữu ích với nhiều công nghệ. Vật liệu này thường được sử dụng để tạo các bộ cộng hưởng bên trong điện thoại di động, thiết bị siêu âm và các loại cảm biến khác.
Aimee Stapleton, một nhà vật lý tại Viện Bernal cho biết: "Trong khi áp điện được sử dụng xung quanh chúng ta, khả năng sản xuất điện từ protein đặc biệt này vẫn chưa được khám phá". “Lượng áp điện trong tinh thể lysozyme là đáng kể. Nó tương đương với mức được tìm thấy trong thạch anh. Tuy nhiên, do là một vật liệu sinh học, không độc hại vì vậy có thể tạo ra nhiều ứng dụng sáng tạo như điện cực, lớp phủ chống vi khuẩn cho cấy ghép trong y học".
Cấu trúc chính xác của tinh thể lysozyme là cấu trúc enzyme và cấu trúc protein đầu tiên được phát hiện và mô tả bởi các nhà khoa học. Nó được nghiên cứu thường xuyên, tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất này là nghiên cứu đầu tiên mô tả về áp điện của tinh thể.
Tofail Syed, giáo sư vật lý tại Đại học Limerick nói: "Tinh thể là tiêu chuẩn vàng để đo áp điện trong vật liệu phi sinh học. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng phương pháp tương tự này cũng có thể được áp dụng để hiểu được hiệu ứng này trong sinh học”. "Đây là một phương pháp mới khi các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu áp điện trong sinh học bằng các cấu trúc phân cấp phức tạp như mô, tế bào hoặc các polypeptide thay vì điều tra các khối hình thành cơ bản đơn giản hơn".
Các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu của họ - được công bố chi tiết trong tạp chí Applied Physics Letters - có thể được sử dụng để thiết kế các máy thu năng lượng áp điện tương thích sinh học cho các thiết bị y sinh. Nhiều máy thu thông thường chứa các nguyên tố độc hại như chì.
Ông Luuk van der Wielen, Giám đốc Viện Bernal cho biết: "Tác động của phát hiện này trong lĩnh vực áp điện sinh học sẽ rất lớn và các nhà khoa học của Bernal đang dẫn đầu trong lĩnh vực này”.
Nguyễn Hà (Theo Upi)