Tiểu hành tinh to bằng ngôi nhà sẽ tới gần Trái Đất ở một khoảng cách đáng sợ

(Dân trí) - Trái Đất sẽ trải qua một cuộc đụng độ rất gần với thiên thạch có kích thước tương đương một ngôi nhà vào ngày 12/10.


Thiên thạch khổng lồ này sẽ bay ngang qua giữa Trái Đất và Mặt trăng vào ngày 12/10.

Thiên thạch khổng lồ này sẽ bay ngang qua giữa Trái Đất và Mặt trăng vào ngày 12/10.

Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, tiểu hành tinh này sẽ cách chúng ta một khoảng rất gần – gần 44.000km hay 1/8 lần khoảng cách từ Trái Đất tới mặt trăng. Khoảng cách này đủ an toàn đối với các vệ tinh đang ở trên quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 35.406km.

May mắn thay, có vẻ như nhân loại vẫn sống sót để tiếp tục chiến đấu vào một ngày khác, vì tiểu hành tinh này sẽ không va vào chúng ta.

Nhà khoa học Detlef Koschny của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho hay “chắc chắn vật thể này sẽ không có khả năng va chạm với Trái Đất” nên “không có gì nguy hiểm cả”.

Tiểu hành tinh này được đặt tên là 2012 TC4 và lần đầu tiên bay ngang qua chúng ta vào tháng 10 năm 2012 ở khoảng cách gấp đôi hiện tại.

Tiểu hành tinh này dài khoảng 15 đến 30 mét và khi được phát hiện, nó đang du hành với vận tốc khoảng 14,5 km/giây.


Tiểu hành tinh 2012 TC4 xuất hiện ở vị trí trung tâm của bức ảnh (trong đường tròn màu xanh) do Kính viễn vọng Cực lớn của ESO chụp.

Tiểu hành tinh 2012 TC4 xuất hiện ở vị trí trung tâm của bức ảnh (trong đường tròn màu xanh) do Kính viễn vọng Cực lớn của ESO chụp.

Các nhà khoa học cũng đã dự kiến rằng tiểu hành tinh này sẽ quay trở lại gần chúng ta trong năm nay, nhưng họ đã không đánh giá cao khả năng tiến sát của nó.

Hiện tại, Kính viễn vọng Cực lớn của Đài thiên văn Nam Âu (ESO) ở Chile đã theo dấu và xác định được quỹ đạo của nó.

Ông Rolf Densing – Giám đốc Trung tâm Điều hành Vũ trụ Châu Âu (Darmstads, Đức) cho hay: “Khoảng cách đó là rất gần, các vệ tinh xa nhất của chúng ta cách Trái Đất khoảng 36.000 km, vì vậy khoảng cách lần này của 2012 TC4 là cực gần”.

Đối với các nhà nghiên cứu, khoảng cách gần như vậy sẽ mang đến một cơ hội hiếm có để thử nghiệm “hệ thống phòng vệ hành tinh” của Trái Đất - ở thời điểm hiện tại, hệ thống này đang tập trung vào việc cảnh báo sớm, chứ chưa có hành động làm lệch hướng các tiểu hành tinh”.

Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, việc quan sát chuyển động của TC4 là “một cơ hội tuyệt vời để kiểm tra khả năng phát hiện và theo dõi các vật thể ở gần Trái Đất, đồng thời đánh giá khả năng phản ứng của chúng ta khi có một mối đe dọa thiên thạch thực sự”.

Một thiên thạch dài 40m – lớn hơn một chút so với TC4 – đã gây ra ảnh hưởng lớn nhất tới Trái Đất trong giai đoạn lịch sử gần đây khi nó nổ tung trên bầu trời Tunguska ở Siberi năm 1908.

Năm 2013, một thiên thạch khoảng 20m đã phát nổ trên bầu trời ở thành phố Chelyabinsk, miền trung nước Nga với động năng tương đương 30 quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima.

Kết quả là, vụ nổ đã thổi bay cửa sổ của gần 5.000 tòa nhà và khiến hơn 1.200 người bị thương.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho hay, nếu một vật thể có kích cỡ tương đương TC4 lao vào bầu khí quyển của Trái Đất, “nó sẽ gây ra hậu quả tương tự như sự kiện Chelyyabinsk”.

Anh Thư (Theo The Sun)