Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra về sở hữu trí tuệ

(Dân trí) - Trong buổi tổng kết chương trình “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập”, ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: “Trong thời gian tới các hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên toàn quốc trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, phần mềm máy tính…”

Ngày 10/6, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với sự hỗ trợ của Liên minh Phần mềm đã tổng kết chương trình “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập”. Đây là hoạt động chuyên đề về sở hữu trí tuệ (SHTT) do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành là thành viên của Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn II (2012-2015) (gọi tắt là Chương trình 168). Đây là năm thứ 2 chương trình được triển khai liên tiếp và đã mang lại những tác động tích cực rõ ràng tới công cuộc bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam.

Vi phạm Sở hữu trí tuệ càng ngày đa dạng và thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục làm mạnh tay trong thời gian tới
Vi phạm Sở hữu trí tuệ càng ngày đa dạng và thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục làm mạnh tay trong thời gian tới

Đại diện cơ quan thực thi, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Thanh tra Bộ KH&CN là đầu mối, phối hợp với Liên minh phần mềm triển khai các hoạt động của “Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập” gắn giữa tuyên truyền, giáo dục và hoạt động thực thi nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của quyền SHTT đối với phát triển của xã hội; đẩy mạnh việc xác lập, khai thác, phát triển và thực thi quyền SHTT; bảo đảm quyền SHTT thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung; Tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để thực hiện các cam kết quốc tế về SHTT, đặc biệt là các cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.

Ông Dũng cũng khẳng định, trong tháng tuyên truyền, hàng loạt các hoạt động đã được triển khai, trong đó, sự kiện Tọa đàm doanh nghiệp do Bộ KH&CN phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan thực thi quyền SHTT đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp, các đại diện chủ thể quyền, các tổ chức quốc tế. Đây là tọa đàm đầu tiên phản ánh một cách chi tiết mọi cam kết về SHTT của Việt Nam trong TPP, để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội cũng như có kế hoạch chuẩn bị để tuân thủ đúng những cam kết này.

Chỉ tính riêng tại Thanh tra Bộ KH&CN, trong 6 tháng đầu của năm 2016, đã tiếp nhận 40 đơn yêu cầu xử lý vi phạm theo đề nghị của chủ thể quyền và các hồ sơ do cơ quan Công an chuyển đến. Đã tiến hành thanh tra đối với 25tổ chức, cá nhân có dấu hiệu xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp, xử phạt với số tiền là 855,6 triệu đồng. Các hành vi xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp bị xử lý rất đa dạng như: Sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh…Các sản phẩm xâm phạm bị xử lý là các sản phẩm thời trang, lương thực, thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thép xây dựng, thiết bị điện, điện tử...

Riêng trong lĩnh vực bản quyền phần mềm, đợt thanh tra đầu tiên sau “Tháng hưởng ứng ngày SHTT Thế giới vì mục tiêu hội nhập” đã được thực hiện ở các doanh nghiệp tại địa bàn phía Nam, gồm Công ty TNHH Tỷ Hùng, Công ty TNHH Dược Phẩm AAA( có trụ sở tại TP.HCM), Công ty TNHH May Mặc Alliance One (có trụ sở tại Bến Tre). Đoàn thanh gồm Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đã kiểm tra 247 máy tính, phát hiện hơn 500 phần mềm không phép. Theo ước tính của chủ sở hữu, phần mềm vi phạm mà 3 doanh nghiệp này sử dụng có giá trị khoảng 3 tỷ đồng.

Ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình tuân thủ, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên minh Phần mềm bày tỏ: “Chúng tôi thực sự đánh giá rất cao nỗ lực rất lớn của Bộ KH&CN và các thành viên Chương trình 168, đặc biệt là Bộ VHTT&DL trong nỗ lực thực thi hiệu quả quyền SHTT tại Việt Nam. Các chương trình tuyên truyền lớn như thế này đã thực sự chứng minh được tính hiệu quả rất lớn thông qua con số giảm 3% tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam, từ 81% năm 2015 còn 78% vào năm 2016”

Nguyễn Hùng