Thuyết trái đất phẳng giải thích thế nào về hiện tượng nguyệt thực toàn phần?

(Dân trí) - Nếu không có kiến thức cơ bản về cơ chế xoay của các vật thể thì khó có thể giải thích vì sao mặt trăng có màu đỏ như máu khi có nguyệt thực toàn phần. Tuy nhiên, những nhà lí luận theo thuyết âm mưu đã có cách né các chứng cứ khoa học và đưa ra cách giải thích rất sáng tạo về hiện tượng này.

Cuối tuần vừa qua, khi siêu trăng, trăng máu và trăng sói trùng làm một, hầu hết ở bán cầu tây đều có thể quan sát được mặt trăng đi ngang qua vùng tối của trái đất. Khi đó trăng có màu đỏ cũng tương tự như những ngày chúng ta quan sát thấy mặt trời đỏ rực vào bình minh và hoàng hôn. Đó là vì ánh sáng mặt trời bị tán sắc khi đi qua bầu khí quyển.

trang mau.jpg

Theo các nhà lí luận của thuyết trái đất phẳng thì hiện tượng thiên văn này thật ra là một cơ hội hiếm hoi để chúng ta bắt được khoảnh khắc của một “vật thể bóng” thường quay quanh mặt trời và thỉnh thoảng đi qua trước mặt trăng.

Mặc dù những người theo thuyết trái đất phẳng tin rằng trái đất bẹt như một cái bánh áp chảo nhưng họ lại cũng đồng ý rằng mặt trời và mặt trăng có hình cầu. Tuy nhiên, họ khẳng định rằng cả mặt trời và mặt trăng đều quay quanh cực bắc của trái đất, lơ lửng ngay trên “chiếc bánh” trái đất và không bao giờ chui xuống mặt dưới của trái đất. 

Nhưng nếu sự thật là như vậy thì hiện tượng nguyệt thực như chúng ta vẫn thấy không thể xảy ra được, bởi vì mặt trăng phải lộn xuống dưới trái đất để cho trái đất đứng giữa mặt trăng và mặt trời thì trái đất mới che được mặt trăng tạo thành nguyệt thực. Như vậy, người theo thuyết trái đất phẳng đã dệt nên một bức tranh giải thích mới về bóng đổ trên mặt trăng trong thời gian xảy ra nguyệt thực.

Trên trang web của Hội Trái đất phẳng, các nhà lí luận theo thuyết âm mưu không giải thích khái niệm “vật thể bóng”, không hề miêu tả kích thước, hình dáng, cấu tạo hay nguồn gốc của vật thể, nhưng họ lại nói rằng vật thể bí hiểm này gây ra tất cả các hiện tượng nguyệt thực và nó hoàn toàn vô hình khi nó không xuất hiện phía trước mặt trăng. “Vật thể bóng không bao giờ thấy được trên bầu trời bởi vì nó ở rất gần mặt trời” – trang web viết như vậy.

Và cho dù hành tinh bé nhỏ có thể nhìn thấy và gần mặt trời nhất là sao thủy, nhưng trang web này vẫn quả quyết một cách sai lầm rằng “chúng ta không bao giờ thấy được hình ảnh những vật thể xuất hiện gần mặt trời vào thời gian ban ngày”.

Chắc chắn là trang web của Hội Trái đất phẳng có mô tả quĩ đạo của vật thể bí hiểm đó, rằng quĩ đạo này nghiêng 5,15 độ so với mặt phẳng quĩ đạo mặt trời. Điều này trên thực tế lại trung hợp với góc nghiêng của quĩ đạo mặt trăng so với quĩ đạo trái đất. Hội Trái đất phẳng không đưa ra các phép tính toán học để chứng minh con số góc nghiêng đó, mà có vẻ như nó được “mượn” từ các phép tính của các nhà thiên văn khác chứ không phải là do Hội này tự tính ra.

Trang web đó cũng nói rằng “còn có một khả năng nữa là Vật thể Bóng là một vật thể đã được xác định quay quanh mặt trời, nhưng cần nghiên cứu thêm để đánh dấu vị trí của sao thủy, sao kim và các tiểu hành tinh quay quanh mặt trời và tính toán mối liên hệ của chúng với hiện tượng nguyệt thực trước khi rút ra bất cứ kết luận nào.”

 Các nhà thiên văn học đã từng lập sơ đồ dự báo quỹ đạo trong tương lai của tất cả các hành tinh và thấy rằng không có hành tinh nào sẽ ở vào vị trí giữa trái đất và mặt trăng trong tương lai gần, và kể cả mãi mãi sau này.

Rõ ràng là cách giải thích của Hội Trái đất phẳng về hiện tượng nguyệt thực là hoàn toàn sai. Và nếu cuối tuần vừa qua vào ngày 20 – 21/1/2019, bạn có lỡ mất dịp quan sát hiện tượng kì thú siêu trăng, trăng máu, trăng sói trùng làm một thì cũng không có gì đáng tiếc vì trong năm 2019 còn một lần nguyệt thực tương tự vào ngày 16/7.

Phạm Hường (Theo Live Science)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm