1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thủ tướng: Hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nước nhà

(Dân trí) - “Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nước nhà”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thủ tướng: Hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nước nhà - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng to lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cán bộ quản lý khoa học và công nghệ trong cả nước thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định , nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia vào việc xây dựng hệ thống quan điểm, xác định mô hình phát triển đất nước và hoàn thiện thể chế trong từng thời kỳ; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các hệ giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam. Khoa học tự nhiên có bước phát triển; một số lĩnh vực (toán học, vật lý lý thuyết) có thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Thủ tướng: Hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nước nhà - 2

Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ tăng mạnh. Nhà nước đảm bảo chi 2% tổng ngân sách cho khoa học và công nghệ. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực; đầu tư của khu vực doanh nghiệp tăng nhanh, chiếm 48% tổng đầu tư cho khoa học công nghệ (trong khi 5 năm trước là 30%). Hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ phát triển mạnh, đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 67.000 cán bộ nghiên cứu (đạt 7 người/vạn dân), trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận. Hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện  góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

“Khoa học và công nghệ ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Số lượng các bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh, xếp thứ 56 trên tổng số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 8 bậc so với năm 2010. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng và 2019 xếp thứ 42 trên 129 quốc gia và đứng thứ 3 ASEAN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ: Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, quốc gia nào có chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học và công nghệ cao sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ đã nhấn mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng: Hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nước nhà - 3

Thủ tướng trao Huân chương lao động hạng nhất cho Bộ Khoa học và Công nghệ trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập. 

Chúng ta đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 với khát vọng đưa đất nước phát triển thịnh vượng. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm một động lực tăng trưởng chủ yếu, dần thay thế các nguồn lực đầu vào truyền thống là tài nguyên thiên nhiên và lao động trình độ thấp.

“Với yêu cầu đó, nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ Khoa học và Công nghệ và đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ là rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề. Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nước nhà”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Để hiện thực hóa vấn đề nêu ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo thuận lợi cho khoa học công nghệ phát triển.

Bộ Khoa học và Công nghệ phải không ngừng đổi mới tư duy, bám sát thực tiễn cuộc sống, dám nghĩ, dám làm, có cơ chế chính sách vượt trội để khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đóng vai trò là một nội dung quan trọng của đột phá chiến lược.

Cơ chế, chính sách phải được đổi mới đồng bộ cả pháp luật khoa học và công nghệ và pháp luật về thuế, đầu tư, tài chính,... để nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và từng bước phát triển công nghệ của doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ độc lập. Xóa bỏ tư duy hành chính hóa trong hoạt động khoa học công nghệ.

Chú trọng phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao, một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ để khoa học, công nghệ thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp. Khoa học công nghệ phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học xã hội để tạo cơ sở khoa học phục vụ tốt nhất sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Đưa ra các giải pháp cụ thể và hiệu quả để tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp về tiếp thu, làm chủ và từng bước tham gia tạo ra công nghệ mới.

Đổi mới căn bản cơ chế quản lý ngân sách chi cho khoa học, công nghệ; thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các đề tài khoa học, công nghệ. Cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng.

Có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung - cầu sản phẩm khoa học và công nghệ mới....

Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KHCN theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ đi đầu trong việc bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Đổi mới về chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KHCN, trong đó quan tâm đến 3 đối tượng chính là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ theo hướng mở rộng hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia, hợp tác nghiên cứu chung với đối tác chiến lược, các nước tiên tiến; tăng cường hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện khoa học công nghệ Việt Nam tại các địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn, công nghệ cao… Phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

 Nguyễn Hùng (Lược ghi)