Thủ tướng Chính phủ “thị sát” các kết quả nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội
(Dân trí) - Tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có “thị sát” các sản phẩm nghiên cứu khoa học ở khu vực Triển lãm. Người đứng đầu Chính phủ ấn tượng với những kết quả nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, đặc biệt là sự xuất hiện của robot hướng dẫn viên ở khu trưng bày - một sản phẩm nổi bật của đơn vị này.
Là một tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu của đất nước, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) luôn thúc đẩy các hoạt động KH&CN, phát triển thành đại học định hướng nghiên cứu và hỗ trợ khởi nghiệp.Tầm nhìn của ĐHQGHN 2030 là trở thành đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao. Trong đó, một số trường đại học, viện nghiên cứu thành viên thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến châu Á.
Hiện ĐHQGHN có 2.300 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, trong đó có hơn 1.200 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 81 giáo sư, 385 phó giáo sư, 41 tiến sĩ danh dự; 137 nhà giáo ưu tú và 62 nhà giáo nhân dân. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã vinh dự đón nhận 3 giải thưởng quốc tế, 18 giải thưởng Hồ chí Minh, 11 giải thưởng Nhà nước và nhiều giải thưởng của các Bộ, ngành về Khoa học công nghệ.
Với vị thế của mình, trong thời gian gần đây, một số nhiệm vụ khoa học có quy mô lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế được ĐHQGHN triển khai như: Chương trình KH&CN cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Nghiên cứu, Biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (hay còn gọi là Quốc sử); Bách khoa toàn thư; Địa chí quốc gia Việt Nam (hay còn gọi là Quốc chí), Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá”, Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm Kinh điển phương Đông, Dự án châu Âu về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam (Vietnamica).
Nhiều nhà khoa học, cựu học sinh, sinh viên của ĐHQGHN giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, khẳng định vị thế quốc tế về khoa học của ĐHQGHN: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Fields, Giải thưởng Hành tinh xanh, Giải thưởng Cosmos, Huy chương Puskin Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Nhân tài đất Việt...
Công bố quốc tế tiếp tục đạt kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế học thuật của ĐHQGHN trên trường quốc tế. Các công bố quốc tế ISI và Scopus đã được thiết lập và đang không ngừng phát triển ở ĐHQGHN, không chỉ đối với KHTN & Công nghệ mà còn cả trong lĩnh vực KHXH&NV. Các lĩnh vực này đều có công trình đăng trong tạp chí Nature.
Những năm gần đây, ĐHQGHN công bố số lượng lớn bài báo trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus cũng như các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Các nhà khoa học của ĐHQGHN cũng được PloS Biology, là một tạp chí Q1 của cơ sở dữ liệu Scopus, xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019.
Cùng với các hoạt động nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, ĐHQGHN luôn đi đầu trong đổi mới hoạt động KH&CN và chuyển giao tri thức theo mô hình đại học thông minh, đổi mới sáng tạo. Số lượng các đăng ký sở hữu trí tuệ của ĐHQGHN không ngừng tăng. Từ năm 2009 đến nay các nhà khoa học ĐHQGHN đã đăng ký thành công 28 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích…
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN, bên cạnh các chương trình KH&CN đặc biệt, ĐHQGHN ưu tiên phát triển các sản phẩm trọng tâm, trọng điểm gắn với hình thành một số trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Kết quả chuyển giao các sản phẩm này trong thực tiễn ban đầu đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Chẳng hạn như, hệ thống phần mềm quản lý và hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh Y tế - VRPACS: giải pháp cho các bệnh viện trong công tác quản lý và khai thác hiệu quả hình ảnh Y tế như: CT, MRI, XQ kỹ thuật số…; Trạm thu thông tin vệ tinh trên tàu biển; Hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi từ ảnh vệ tinh; Hệ thống CSDL tích hợp phục vụ phát triển vùng Tây bắc; Phát triển số hóa tri thức Việt (bắt đầu từ hệ thống Vietnam Citation Gateway); Bộ công cụ đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài Vietest; Phần mềm EMMDI…
Đặc biệt, những năm gần đây, ĐHQGHN đã phát triển thành công phương thức và công nghệ đánh giá năng lực, phục vụ đổi mới công tác tuyển sinh trong toàn quốc. Hợp tác với nhiều đơn vị thuộc bộ KHCN Thực hiện một trong những giá trị cốt lõi - tiên phong trong nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ cao và chủ trương kết hợp giữa viện nghiên cứu và trường đại học, gắn nghiên cứu - triển khai với sản xuất - kinh doanh, ĐHQGHN đã xác định hợp tác Trường - Địa phương - Doanh nghiệp - Bộ, ngành vừa là phương thức, vừa là mục tiêu nhằm tới sự phát triển của từng đối tác, sự phát triển chung của sự nghiệp khoa học - công nghệ và giáo dục đại học Việt Nam.
Các hoạt động khoa học và công nghệ của ĐHQGHN đã gắn kết chặt chẽ với thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Với sự hỗ trợ của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN - Bộ KHCN, hàng năm, ĐHQGHN đã tổ chức các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp ĐHQGHN mở rộng dành cho các nhóm nghiên cứu trẻ”, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Tham dự triển lãm khoa học và công nghệ nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giới thiệu hàng loạt kết quả nghiên cứu đến với công chúng. Đáng chú ý là sự xuất hiện của robot hướng dẫn viên; Vi chíp phát hiện tế bào ung thư di căn…
Nguyễn Hùng